Tại hội thảo, các nhà khoa học cho biết Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH. Trong hai thập niên qua ước tính mỗi năm thiệt hại khoảng 1,5% GDP và nếu mực nước dâng cao như dự báo thì năm 2030, có khoảng 45% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị nhiễm mặn và năng suất lúa giảm 9%, sản lượng vườn cây ăn trái, thủy sản nước ngọt sẽ bị tổn thất lớn, đời sống người dân ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, BĐKH làm thay đổi điều kiện sinh thái dẫn xuất hiện nguy cơ dịch hại mới và làm cho dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện KHNNVN cho rằng, do ảnh hưởng của hạn mặn, GDP ngành nông nghiệp đã rơi vào tình trạng sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, các tổ chức, cơ quan ban ngành liên quan, các chuyên gia của các tỉnh, thành trong cả nước đã tiến hành nghiên cứu tìm biện pháp thích ứng và chống lại BĐKH để cải thiện đời sống, kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trong thời gian qua, Viện KHNNVN đã tập trung nghiên cứu, gắn chặt nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và thương mại sản phẩm; gắn nghiên cứu chuyên đề với nghiên cứu theo vùng lãnh thổ để phát huy tối đa mọi nguồn lực và lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên thị trường.
Từ góc độ địa phương, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua TP đã tích cực triển khai nhiều giải pháp công nghệ, nhiều mô hình canh tác thích ứng với BĐKH gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phát triển nông nghiệp hàng năm. Tập trung vào các loại giống chống chịu hạn mặn cao để phù hợp từng vùng sinh thái, sử dụng chế phẩm sinh học, biến đổi cơ cấu cây trồng trên tập trung phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và quan tâm đến vấn đề tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.