Đồng bằng sông Cửu Long “cháy khô” vì hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016

(PLVN) - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nhận định đợt hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt đỉnh từ ngày 7 - 15/3, dự báo có 80.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020.

Hạn mặn bắt đầu đạt đỉnh 

Hạn mặn khốc liệt đang "đốt cháy" đồng ruộng, kênh rạch và đẩy nhiều địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào tình trạng "khát" nước ngọt nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là theo cảnh báo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), từ ngày 7 - 15/3 mới là thời điểm "đạt đỉnh" của hạn mặn năm nay. Cuối tháng 3/2020, xâm nhập mặn có thể vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng.

Dự báo trong tháng 3 hạn mặn tại ĐBSCL sẽ đạt đỉnh, miền Tây sẽ còn thiếu nước ngọt trầm trọng. Ảnh: kinhtedothi.vn
 Dự báo trong tháng 3 hạn mặn tại ĐBSCL sẽ đạt đỉnh, miền Tây sẽ còn thiếu nước ngọt trầm trọng. Ảnh: kinhtedothi.vn

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn từ 6-10/3, Trưởng phòng thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020, đặc biệt là thời kỳ từ 11-15/3, xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2/2020 và cùng kỳ tháng 3 năm 2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, sau đó có xu thế giảm dần đến cuối tháng 3; xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Dòng chảy trên sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5-20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.

Trước tình hình này, nhiều địa phương của ĐBSCL như Cà Mau, Long An, đã phải công bố tình huống khẩn cấp cấp độ 2 do xâm nhập mặn ở địa phương, yêu cầu các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để thực hiện ứng phó, khắc phục trong thời gian diễn ra thiên tai xâm nhập mặn được thực hiện theo tình huống khẩn cấp, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất do thiệt hại xâm nhập mặn gây ra.

Rau màu, người dân "khát" nước ngọt 

Phản ánh của báo PLVN về tình hình hạn mặn ở Cà Mau cho thấy, đến đầu tháng 3/2020, hệ thống kênh, rạch vùng ngọt hóa ở huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) đã  khô cạn gần như hoàn toàn. Khô hạn làm thiệt hại hơn 18.000 ha lúa, hoa mà, hơn 20.000 hộ dân vùng ngọt hóa của Cà Mau đang thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Tại Tiền Giang, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Hoàng Nhật Nam, vùng cây ăn quả ở phía Nam Quốc lộ 1 chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn với trên 36.000 ha. Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang có 20.476 hộ có khả năng bị ảnh hưởng không có nước sinh hoạt, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2019 - 2020. 

Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang Nguyễn Thanh Bình, nếu tình hình nắng hạn kéo dài khoảng một tháng nữa, các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải chắc chắn sẽ thiếu nước.

Trước tình hình hạn mặn nghiêm trọng và dự kiến còn phải đối mặt khoảng 3 tháng nữa, tỉnh Bến Tre đã đầu tư khoảng 39,2 tỉ đồng thi công các công trình ứng phó hạn, mặn cho vùng trồng cây ăn quả.

Hạn mặn đã "đốt cháy" nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL . Ảnh: dangcongsan.vn
 Hạn mặn đã "đốt cháy" nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL . Ảnh: dangcongsan.vn 

Đánh giá tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2020 và dự báo về xâm nhập mặn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương trước mắt chủ động triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn, nhất là vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020; tuyên truyền cho người dân tại những khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng từ xâm nhập mặn để chủ động lấy nước sản xuất, sinh hoạt.

Về giải pháp lâu dài, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất mở rộng hệ thống cấp nước nông thôn hiện có để đảm bảo 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; ứng dụng kỹ thuật xử lý và lọc nước nhiễm mặn; nghiên cứu canh tác các giống lúa, cây ăn trái, rau màu chủ lực của thành phố có thể chịu được sự thay đổi của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Đọc thêm