Hạn, mặn gay gắt và xuất hiện sớm hơn
Vào các tháng mùa khô, ĐBSCL chịu tác động mạnh bởi xâm nhập mặn, đây là đặc tính của vùng, mức độ xâm nhập những năm trước đây có tính quy luật tương đối rõ rệt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và nguồn nước thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, mặn mùa khô 2019-2020 có khả năng gay gắt hơn và xuất hiện sớm so với năm 2018-2019 khoảng 10-30 ngày, sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1- 2 tháng.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng nhận định, nguồn nước mùa khô 2019-2020 sẽ ít thuận lợi, nguy cơ mặn xuất hiện sớm và hạn hán thiếu nước có thể xảy ra. Từ tháng 12/2019, mặn có khả năng ảnh hưởng các cống lấy nước phạm vi cách biển đến 30-35km. Sang tháng 1 và tháng 2/2020, ranh mặn 4g/l có khả năng lấn sâu vào nội địa 45-55km (tùy cửa sông).
Đặc biệt, các ngày trường cường, gió chướng mạnh xâm nhập mặn có thể tăng đột biến so với dự báo nhưng ở thời đoạn ngắn. Với dự báo nguồn nước thấp và xâm nhập mặn đến sớm mùa khô 2020, một số vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (Bến Tre); Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang (Trà Vinh); Long Phú, Trần Đề (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Phước Long (Bạc Liêu).
Hơn 5.000 tỷ cho 20 dự án kiểm soát lũ, mặn
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, từ sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, một số nhiệm vụ cụ thể đã được triển khai và kết quả đạt được nhiều kết quả.
Cụ thể, mùa lũ năm 2018, ĐBSCL không xảy ra thiệt hại nào về người; việc cải tạo và vệ sinh đồng ruộng cũng được cải thiện đáng kể.
Các địa phương đã tổ chức đưa đón 1.977 học sinh ở những vùng bị ngập sâu đến trường trong suốt mùa lũ (huyện An Phú và thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang); tổ chức 38 điểm giữ trẻ mùa lũ với 1.190 trẻ; 574 lớp dạy bơi với 17.292 trẻ em (mùa lũ năm 2018 không có trường hợp thiệt hại về người do đuối nước).
Tổ chức 868 chốt cứu hộ, cứu nạn/6.652 thành viên tham gia trực lũ; bố trí 26 đội cấp cứu cơ động, đội phòng chống dịch; chuẩn bị 156 cơ số thuốc để dự trữ thuốc chống dịch mùa lũ.
Phát hiện và xử lý kịp thời trên 160 vị trí cống bọng, bờ bao bị thấm, rò rỉ nước (tỉnh An Giang); tổ chức cắm 186 biển cảnh báo sạt lở; gia cố được hơn 580km bờ bao, đắp 207 đập ngăn lũ tại Kiên Giang; gia cố, tôn cao hơn 64km đê bao, bảo vệ an toàn hơn 30.000ha lúa Hè Thu tại Long An. Đồng thời, các địa phương cũng chủ động xả lũ lấy nước vào ô bao để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, với diện tích trên 141.351 ha (An Giang: 80.000 ha, Đồng Tháp: 61.351ha).
Đối với công trình kiểm soát lũ, mặn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, trước mắt (đến năm 2020), tiếp tục bố trí kinh phí 5.157 tỷ đồng để thực hiện đối với 20 dự án chưa được bố trí nguồn vốn. Giai đoạn sau 2020 sẽ tiếp tục bố trí kinh phí để hoàn thiện hệ thống kiểm soát lũ, mặn vùng ĐBSCL. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hỗ trợ chuyển đổi sinh kế vùng ngập lũ và vùng ven biển, đặc biệt là dự án WB 9.
Xây dựng phương án kiểm soát lũ, mặn cho từng vùng
Trao đổi về các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, kiểm soát lũ và xâm nhập mặn, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, thích ứng với lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; quy hoạch các vùng canh tác sản xuất cho vùng ngọt, mặn, lợ gồm trồng lúa, cây ăn quả, lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, cần xây dựng phương án kiểm soát lũ, mặn cho từng vùng của ĐBSCL.
Cụ thể, đối với vùng ven biển: sống chung với nước mặn, lợ; chuyển đổi các vùng chuyên lúa nằm xen kẽ sang sản xuất luân canh lúa – tôm để đảm bảo hiệu quả và bền vững; trữ nước để sử dụng tại chỗ, tiếp nhận nước ngọt từ vùng giữa; đảm bảo khả năng điều tiết chủ động để cấp nước ngọt, mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Đối với vùng giữa: hoàn thiện hệ thống công trình phục vụ vùng kinh tế nước ngọt, phục vụ trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chống ngập úng cho sản xuất nông nghiệp, các khu đô thị, nghiên cứu các cống lớn dọc sông Hậu để kiểm soát lũ và cấp nước, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cấp nước bằng trạm bơm từ sông Hậu cho vùng Bán đảo Cà Mau và Bạc Liêu.
Đối với vùng trên: chủ động kiểm soát lũ, bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái. Dần hình thành mô hình sinh kế vùng lũ, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ, tạo không gian chứa lũ tại vùng thượng đồng bằng.
Viện Thủy lợi miền Nam cũng cho biết, theo Quy hoạch Thủy lợi vùng ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng, để thích ứng với giảm dòng chảy kiệt-gia tăng xâm nhập mặn: bên cạnh các giải pháp phi công trình (chuyển đổi mô hình canh tác, mùa vụ, giống...), cần kết hợp các giải pháp công trình để trữ-giữ nước trên hệ thống kênh, ô bao, các công trình kiểm soát xâm nhập mặn sâu lên nội đồng. Đồng thời, chủ động kiểm soát mặn theo từng giai đoạn, nếu mặn trên sông chính lên đến đâu, xem xét xây dựng các cống dần từ cửa sông lên đến đó.
Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện Quy hoạch Điều tra cơ bản tài nguyên nước vùng ĐBSCL, Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL, trên cơ sở đó xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch các ngành sử dụng nước, phát triển đô thị, hạ tầng cho phù hợp.