Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật liên quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn. Rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật liên quan. Tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam.
Đây không phải là yêu cầu cụ thể với bất cứ dự án luật (xây dựng mới) hoặc sửa đổi bổ sung nào, mà còn là yêu cầu chung đối với hệ thống luật pháp hiện nay. Hay nói cách khác, để giải phóng nguồn lực, đưa đất nước phát triển, hệ thống luật pháp phải đồng bộ. Ngay cả việc “thấy việc người dân cần mà không làm” của cán bộ, công chức cũng phải được xem xét dưới góc độ pháp luật.
Hiện nay cuộc sống đang đặt ra yêu cầu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tháo gỡ được vướng mắc về quy định thì mới tháo gỡ, khơi thông được nguồn lực, thúc đẩy được tăng trưởng; phải phân cấp, phân quyền thì mới nâng cao tính chủ động của các cấp.
Việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hiệu lực, hiệu quả đã và đang là vấn đề bức thiết. Thực tế cho thấy, qua các hội thảo khoa học, tham khảo được nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và đối tượng tác động, các dự luật càng được lấy ý kiến rộng rãi càng tốt.
Sớm khắc phục những chỗ “hổng” pháp luật trong điều chỉnh những vấn đề cơ bản nhất của đời sống xã hội và quản lý điều hành, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả của các văn bản luật, là điều kiện hàng đầu để củng cố tính bền vững của sự phát triển xã hội.