Động đất sóng thần ở Indonesia: Số người thiệt mạng có thể lên đến hàng nghìn

(PLO) - Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết, số người thiệt mạng do động đất và sóng thần xảy ra ở đảo Sulawesi của nước này hôm 28/9 vừa qua có thể lên đến “hàng nghìn”.
Công tác cứu hộ sau thiên tai đang gặp nhiều khó khăn
Công tác cứu hộ sau thiên tai đang gặp nhiều khó khăn

Theo Reuters, chiều 30/9, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) xác nhận số người thiệt mạng trong vụ động đất 7,5 độ Richter và sóng thần xảy ra ở nước này đã tăng lên thành 832 người. Người phát ngôn BNPB Sutopo Purwo Nugroho cho biết, con số 832 người thiệt mạng bao gồm những người tử vong do các tòa nhà đổ sập và những người bị sóng thần cuốn trôi.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đã được xác nhận tử vong đều được ghi nhận ở thành phố Palu. Tại khu vực Donggala nằm ở phía bắc Palu và khá gần với tâm chấn động đất, truyền thông địa phương cho biết thiệt hại cũng rất nặng nề, với nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi ra biển. Song, thiệt hại về người ở đây cùng 2 khu vực khác vẫn chưa được thống kê hết do giao thông và liên  lạc tại những nơi này còn đang bị chia cắt. Do đó, giới chức địa phương lo ngại con số nạn nhân trong vụ việc sẽ còn tăng cao. Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nói rằng số người thiệt mạng có thể lên đến hàng nghìn người.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chiều 30/9, Người phát ngôn BNPB Sutopo Purwo Nugroho cho biết khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu của giới chức Indonesia. Đến thời điểm họp báo, lực lượng chức năng mới tiếp cận được tương đối toàn diện hiện trường ở 1 trong 4 khu vực bị ảnh hưởng. “Chúng tôi mới tiếp cận được ở thành phố Palu và chưa nhận được thông tin từ 3 nơi còn lại. Hệ thống liên lạc đã bị gián đoạn, đường điện cũng đã bị đứt nên chúng tôi chưa biết ảnh hưởng ở các khu vực đo ra sao”, ông Nugroho. Theo ông này, ở nhiều nơi, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được hiện trường.

Ngoài số nạn nhân đã tử vong, 540 người khác cũng đã bị thương trong thảm họa, trong đó có nhiều người bị thương nặng, nhiều người khác còn mất tích. Theo người phát ngôn BNPB, 5 người nước ngoài, bao gồm có 3 người Pháp, 1 người Hàn Quốc và 1 người Malaysia, nằm trong số những người mất tích. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết Chính phủ đã giải ngân 37,58 triệu USD để phục vụ công tác tái thiết sau thiên tai. Vụ việc cũng đã dấy lên những câu hỏi về việc tại sao các hệ thống cảnh báo được lắp đặt trên khắp Indonesia đã không hoạt động khi xảy ra thiên tai. Cơ quan khảo sát địa chất và khí tượng Indonesia BMKG cũng đã bị chỉ trích nặng nề vì đã ban hành cảnh báo sóng thần sau trận động đất 7,5 độ Richter nhưng lại dỡ bỏ sau đó 34 phút.  

Theo Bộ Ngoại giao, ngay sau khi trận động đất - sóng thần xảy ra ngày 28/9/2018 tại thành phố Palu, Indonesia, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã khẩn trương tìm hiểu tình hình người Việt Nam tại khu vực bị ảnh hưởng và triển khai các biện pháp hỗ trợ cần thiết. Cho đến nay chưa có thông tin về người Việt Nam bị chết hoặc bị thương trong trận động đất - sóng thần. 10 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đại học Tadulako, thành phố Palu đều an toàn. 

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã thông báo cho gia đình các sinh viên và đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia hỗ trợ các sinh viên Việt Nam ổn định chỗ ở cho đến khi tình hình trở lại bình thường và quay trở lại học tiếp. Trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị liên hệ với số điện thoại đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia +62 8111 61025 hoặc số điện thoại tổng đài bảo hộ công dân +84 981848484.

Đọc thêm