Các dự án chạm trái tim, kết nối người khuyết tật
Thời gian qua, bên cạnh các chính sách và chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã ban hành để xây dựng khung pháp lý bảo vệ quyền lợi và chăm sóc người khuyết tật (NKT), xã hội cũng đã và đang tích cực hỗ trợ họ trong việc tiếp cận cơ hội học tập, làm việc. Điều này giúp NKT có thể chủ động vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều dự án đồng hành cùng NKT đã được triển khai, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Những dự án này không chỉ tập trung vào việc tạo ra môi trường học tập thuận lợi, mà còn phát triển các chương trình đào tạo nghề và khởi nghiệp cho NKT. Nhờ đó, họ có cơ hội tự lập, cải thiện đời sống và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội. Bên cạnh đó, những dự án có ý nghĩa tạo động lực, đòn bẩy như động viên tinh thần, thúc đẩy những suy nghĩ tích cực trong mỗi NKT cũng vô cùng cần thiết.
Đơn cử có thể kể đến như những dự án giải thể dục, thể thao dành cho NKT, với sứ mệnh kết nối họ với cộng đồng và tạo ra sân chơi bổ ích. Tham gia vào các giải thể dục, thể thao, NKT có cơ hội giao lưu, kết bạn, từ đó cảm thấy mình được chia sẻ, được quan tâm từ cộng đồng. Đồng thời, các hoạt động thể thao còn góp phần nâng cao tinh thần thể chất và đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ “rào cản” tâm lý, giúp NKT hòa nhập và cảm nhận được giá trị của mình trong xã hội.
Mới đây, gần 2.000 vận động viên, đặc biệt trong đó có sự góp mặt của những vận động viên khuyết tật đã tham gia giải thể thao thiện nguyện "Bước chân hòa nhập 2024" tổ chức tại TP Cần Thơ. Theo đó, các vận động viên khuyết tật (dùng xe lăn) tham gia cự ly 500m và 2km, vận động viên tự do tham gia các cự ly 2km, 5km và 10km đã cùng nhau kiến tạo một hành trình đẹp để kết nối, thấu hiểu và đồng hành.
Nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế NKT, Giải chạy “Bước chân hòa nhập 2024” mang theo mục tiêu động viên, khuyến khích hội viên, NKT tham gia tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe và tự tin hòa nhập cộng đồng. Chia sẻ về ý nghĩa giải chạy, bà Huỳnh Ngọc Hồng Nhung - Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ cho biết, giải chạy không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh cho các vận động viên mà còn truyền đi thông điệp về sự bình đẳng, về tinh thần đoàn kết và tương trợ. Đặc biệt, với những NKT, thể thao còn là phương tiện để họ khẳng định bản thân, vượt qua giới hạn và hòa nhập với cộng đồng.
Trước đó, tại TP Hà Nội, Giải chạy marathon có tên “Ánh Dương” cũng đã nhận được sự đồng hành của hơn 120 vận động viên, những NKT đến từ Trung tâm hỗ trợ “Sống độc lập” Hà Nội và rất nhiều tình nguyện viên đến từ các trường THPT trên toàn địa bàn TP Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình, 10 nhóm nhỏ gồm vận động viên và NKT đã tham gia chạy 800m tại Công viên Thống Nhất và 5 chặng game thử thách: Change or Change, sợi chỉ rối bời, Face the ball, Guess this one và Bức thư chạm tới tương lai. Với việc lồng ghép khéo léo thông điệp đầy ý nghĩa, nhân văn vào các hoạt động, “Ánh Dương” đã chạm đến trái tim mọi người, đặc biệt là các thành viên Trung tâm hỗ trợ “Sống độc lập” để lại niềm xúc động và cảm giác ấm áp.
“Ánh Dương” là hoạt động thuộc dự án Iron Run - dự án phi lợi nhuận về NKT được thành lập từ năm 2016 bởi học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, dự án không chỉ là sự kiện thể thao, chiến dịch gây quỹ từ thiện mà còn truyền tải những thông điệp lan tỏa sự đồng cảm, sẻ chia yêu thương, tinh thần đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội và sự công bằng, hòa nhập cho NKT. Trải qua hành trình 8 năm hoạt động không ngừng nghỉ, mùa thứ 9 Iron Run chọn chủ đề là “Ánh Dương”, tượng trưng cho sự tỏa sáng, hy vọng và khát vọng vươn lên. Đối với NKT, đó còn là biểu tượng của ý chí kiên cường, luôn hướng về phía trước, vượt qua khó khăn để theo đuổi ước mơ.
|
Giải chạy marathon có tên “Ánh Dương” do Iron Run tổ chức đã chạm đến trái tim mọi người. (Ảnh: Iron Run) |
Là một bạn trẻ đam mê bộ môn chạy và thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, N.Hương (26 tuổi, Hà Nội) hào hứng trước các dự án vừa mang tinh thần thể thao, vừa là cầu nối giúp NKT hoà nhập cộng đồng. “Sắp tới đây, tôi sẽ chạy một giải chống bạo lực với người yếu thế, trong đó có NKT. Theo tôi, thể thao là sân chơi bình đẳng, thân thiện dành cho tất cả mọi người. Dù bạn là ai, nam hay nữ, người lành lặn hay khiếm khuyết đều có thể tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe và kết nối với bạn mới. Mỗi năm, dù tham gia rất nhiều giải chạy phong trào có tính thành tích nhưng tôi và các đồng đội vẫn luôn đăng ký các giải chạy vì cộng đồng. Người trẻ như chúng tôi mong muốn thông qua các giải chạy ủng hộ gây quỹ có thể truyền đi thông điệp về sự bình đẳng, về tinh thần đoàn kết và tương trợ”, N.Hương chia sẻ.
Những cá nhân “truyền lửa” cho người khuyết tật
Ngoài các dự án cộng đồng, nhiều cá nhân cũng mong muốn đóng góp dù chỉ một phần nhỏ công sức vào việc đồng hành, hỗ trợ và tiếp thêm nghị lực cho NKT. Nguyễn Hoàng Đan Khanh - Bí thư Đoàn phường 15, quận Bình Thạnh (TP HCM) và mô hình "Câu chuyện vầng trăng khuyết" là một minh chứng tiêu biểu cho những cá nhân nỗ lực giúp NKT tự tin hòa nhập cộng đồng. Mô hình được triển khai từ năm 2020, nhằm mục đích bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng bằng những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn. Đồng thời, đây cũng là cách để các hội viên, thanh niên có cái nhìn tích cực hơn, thấu hiểu và đồng cảm với NKT.
Khởi nguồn từ sự trăn trở của một người chị khi thấy cậu em trai bị chậm phát triển, từ đó, cô gái 29 tuổi ấp ủ ý tưởng giúp những thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Dự án bắt đầu thành hình khi Khanh gặp anh Lê Thanh Tùng, một thanh niên khuyết tật tự tin, không mặc cảm về khiếm khuyết của mình. Sau 4 năm kiên trì thực hiện, mô hình đã giúp NKT tự tin chia sẻ về cuộc sống của họ thông qua kịch nói và nghệ thuật, góp phần thúc đẩy sự hòa nhập và tạo cơ hội cho họ thể hiện tài năng.
|
Nguyễn Hoàng Đan Khánh - cô gái giúp NKT tự tin hòa nhập cộng đồng. (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn) |
Có cùng lý tưởng giống Khanh, nhưng câu chuyện của anh Phạm Quang Khoát - Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội, Chủ tịch Hội NKT quận Hoàng Mai lại có phần đặc biệt hơn khi anh cũng là một NKT. Dù bị bại liệt hai chân từ nhỏ, việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn nhưng với nghị lực phi thường, anh Khoát đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động trợ giúp NKT suốt 16 năm qua.
Trong những năm qua, chàng trai 35 tuổi đến từ Hà Nam đã đóng góp đáng kể trong việc nâng cao năng lực và đào tạo nghề cho hàng nghìn hội viên và thanh niên khuyết tật. Không dừng lại ở đó, anh Khoát còn vận động, quyên góp hàng trăm triệu đồng để tặng quà cho các nhóm yếu thế. Đồng thời thực hiện sáng kiến "Nâng cao nhận thức và thúc đẩy tư vấn, trợ giúp pháp lý về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho phụ nữ và người khuyết tật" tại quận Hoàng Mai, thu hút sự tham gia của hơn 8.300 phụ nữ. Thêm vào đó, anh còn cùng Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội tổ chức các hoạt động kết nối với Tổ chức Touch The World (một dự án phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục và phát triển cộng đồng), tổ chức các lớp học tiếng Anh miễn phí dành riêng cho NKT.
Có thể thấy, những hành động đầy ý nghĩa nói trên đã và đang khẳng định rằng mỗi người, dù ở bất kỳ vị trí nào, đều có thể làm đẹp cho đời theo cách riêng của mình và tại đây, họ chọn cách giúp đỡ và “truyền lửa” yêu thương cho NKT. Những việc làm này không chỉ mang lại giá trị thiết thực cho NKT mà còn tạo nên một cộng đồng tích cực, nơi mà sự đồng cảm, lòng nhân ái và sự sẻ chia được lan tỏa.