Theo xác minh của Cục Kiểm lâm, ngày 10/9 đã ghi nhận tổng số đàn hổ có tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài là 42 cá thể hổ, 2 báo đen, nguồn gốc là nhập khẩu (được phép nuôi nhốt). Hiện tại, còn 22 cá thể hổ và 1 cá thể báo còn sống.
Từ ngày 8/9 hổ bắt đầu có biểu hiện ban đầu bỏ ăn, sốt, đến ngày 30/9 có 20 cá thể và 1 cá thể báo bị chết. Qua mổ khám nghiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai xác định, các cá thể chết do mắc bệnh lý về phổi (3 cá thể chết). Mẫu phủ tạng của cá thể chết được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương 1 từ ngày 26/9 để xét nghiệm virus H5N1, đến ngày 30/9 chưa có kết quả.
Khu vực bảo quản lạnh các cá thể hổ, báo đã chết |
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, 20 cá thể hổ và 1 cá thể báo bị chết được lưu trong container đông lạnh. Tổng khối lượng khoảng từ 1.650 đến 1.970kg. Tuy nhiên, do số lượng quá nhiều nên container không đảm bảo đủ độ lạnh, bắt đầu bốc mùi hôi. Do đó, Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài xin ý kiến chỉ đạo sớm được tiêu hủy đối với 20 cá thể hổ Bengal, 1 cá thể báo đen bị chết nhằm ngăn chặn dịch bệnh, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Trước đó, khi được thông tin về sự việc 20 cá thể hổ Bengal và 1 cá thể báo đã chết, Viện Pasteur TPHCM phối hợp cùng ngành Thú y và Kiểm lâm áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang người; điều tra, xác định người 30 người đã có tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe, bao gồm cả nhân viên trực tiếp chăm sóc thú và người có liên quan; truyền thông phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại khu vực có nguy cơ; Thành lập đoàn giám sát và báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình nguy cơ dịch bệnh cúm A/H5N1 trên địa bàn.
Hổ đang được nuôi nhốt tại Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài |
Theo khoản 5, Điều 13, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định: “Trường hợp cá thể động vật hoang dã bị chết trong quá trình nuôi, chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phải báo cáo với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận và quyết định xử lý theo một trong các phương án sau:
Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng;
Tiêu hủy đối với trường hợp cá thể động vật hoang dã chết do bị bệnh dịch hoặc không thể xử lý theo phương án trên."
Do đó, Sở TN-MTđề nghị Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài phối hợp các đơn vị có chức năng xác định rõ nguyên nhân chết của 18 cá thể động vật hoang dã quý hiếm bị chết; đồng thời bổ sung kết quả xét nghiệm H5N1 của mẫu phủ tạng của 3 cá thể chết, trước ngày 8/10 để tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan xử lý theo quy định.
Trong khi chưa có phương án xử lý các cá thể động vật bị chết, đề nghị Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài tiếp tục thực quản lạnh nhằm bảo đảm mẫu vật được nguyên vẹn, thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng nhằm tránh lây lan dịch bệnh đến các loài khác trong khu du lịch.