Ngày 10/8, Hội nghị quốc tế về chống khủng bố đã khai mạc tại Bali (Indonesia) với sự tham dự của các chuyên gia, quan chức chính phủ đến từ 25 nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế. Hội nghị bao gồm hai nội dung chính là ngăn chặn nguồn tài trợ khủng bố và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống khủng bố.
“Cứ địa” mới của IS
Dựa trên các thông tin tình báo mới nhất, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi khẳng định, Đông Nam Á đang là mục tiêu để IS phát triển các cơ sở mới.
Phó Thủ tướng Hamidi cho biết khoảng 300 tay chân của Abu Bakar Bashir- cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali, Indonesia năm 2002, mới được ra tù. Các nguồn tin tình báo cho thấy số đối tượng này đã đến Batam, đảo Riau của Indonesia, gần Singapore và Malaysia, và chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại nơi này.
Tổ chức Jemaah Islamiyah là nhóm khủng bố Hồi giáo xuyên quốc gia ở Đông Nam Á, từng có liên hệ với Tổ chức khủng bố Al Qaeda và Taliban. Tổ chức này từng được coi là đã bị sụp đổ sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của chính phủ Indonesia những năm vừa qua, nhiều thủ lĩnh cùng thành viên tổ chức này đã bắt giữ và bị kết án tù giam.
Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho thấy nhóm này đang được gây dựng trở lại và nhiều ý kiến cho rằng điều này có liên quan tới IS.
Theo ông Hamidi, chính phủ Malaysia đang thảo luận với chính phủ Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan về diễn biến mới nói trên để tìm biện pháp đối phó.
Abu Bakar Bashir - cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali, Indonesia năm 2002 - bị dẫn giải về trụ sở cảnh sát Jakarta |
Đe dọa khu vực
Cho đến nay, cuộc chiến chống khủng bố của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chủ yếu diễn ra ở khu vực Trung Đông. Thế nhưng, những diễn biến mới nhất cho thấy, hoạt động khủng bố tiếp tục có nhiều biểu hiện khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Thực tế, IS cũng đang nhắm đến việc tạo ra một nhánh của tổ chức này ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Malaysia, sau đó có thể lan sang Singapore và nhiều nước khác. Đáng lo ngại nhất là Malaysia, Philippines và Indonesia, những nước có đa số người dân theo đạo Hồi.
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh ngày càng phải hứng chịu nhiều tổn thất đáng kể ở Syria, các thủ lĩnh của IS buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới và chúng muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để quảng bá thương hiệu trong khu vực và thu hút các phần tử cực đoan tại đây.
Ước tính năm 2015 có khoảng 50 kẻ cực đoan từ Indonesia đã tới Syria gia nhập IS. Như vậy, Indonesia cũng phải đối mặt với mối đe dọa đó là việc công dân nước mình gia nhập IS ở Syria, có kinh nghiệm khủng bố rồi trở về tổ chức các cuộc tấn công.
Đầu những năm 2000, Indonesia từng hứng chịu nhiều đợt tấn công khủng bố do các chi nhánh của Al-Qaeda thực hiện, trong đó vụ đánh bom Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng, đa phần là du khách nước ngoài. Indonesia tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công khủng bố khi ngày 14/1/2016, IS đã thực hiện 7 vụ đánh bom liên hoàn và xả súng tại trung tâm thương mại Sarinah ở thủ đô Jakarta làm 8 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương.
Đến tháng 4, IS tiếp tục cảnh báo Malaysia, Philippines và Singapore nằm trong số những mục tiêu tấn công tiếp theo. Ngày 5/8, Singapore đã rúng động trước âm mưu tấn công bằng rocket nhằm vào khu Marina Bay, một trong những địa điểm trung tâm thu hút đông đảo khách du lịch nhất của Singapore.
Ngày 6/8, cảnh sát Indonesia cho biết họ đã xác định Gigih Rahmat Dewa là thủ lĩnh nhóm 6 đối tượng bị bắt giữ hôm 5/8 tại đảo Batam, Indonesia vì tình nghi âm mưu bắn rocket từ đảo Batam sang Singapore. Dewa, 31 tuổi là một công nhân nhà máy, xuất thân từ thành phố Solo của Indonesia.
Các nhà điều tra khẳng định rằng nhóm đối tượng trên đã liên lạc trực tiếp với Bahrun Naim, một phần tử thuộc IS ở Syria và chính Naim đã ra lệnh thực hiện các cuộc tấn công Singapore và Batam.
Trong khi đó, các nguồn tin tình báo cũng cho biết IS đã tổ chức được một nhóm khủng bố lên đến hàng trăm chiến binh được tuyển mộ từ Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11/2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận định Đông Nam Á đang trở thành một điểm "nóng" chiêu mộ chiến binh của IS.
Theo ông Lý Hiển Long, hàng trăm người từ các nước Đông Nam Á, trong đó có cả công dân Singapore đã tham gia các tổ chức khủng bố trong khu vực, bao gồm cả IS. Thêm vào đó, sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cộng với việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng tin nhắn có thể giúp IS tăng nhanh dòng binh sĩ đến từ các quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á.
Cảnh sát Indonesia canh giữ hiện trường vụ đánh bom ở Bali năm 2002 |
Không khoan nhượng với khủng bố
Phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế về chống khủng bố, Bộ trưởng An ninh Indonesia Menkopolhukam Wiranto cho rằng, khủng bố đã trở thành mối đe dọa thế giới và kêu gọi các nước hợp tác để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố vì “không có quốc gia nào là miễn dịch với các mối đe dọa của khủng bố”.
Ông cũng nhấn mạnh đến nguy cơ các tổ chức khủng bố sử dụng sử dụng Internet làm công cụ truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ, thực hiện các vụ tấn công mạng… Vì vậy, các nước cần chủ động làm chủ công nghệ cao, có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả các nguồn tiền tài trợ cho khủng bố, nhằm đối phó hiệu quả với các mối đe dọa khủng bố.
Nhân dịp này, Indonesia mong muốn hối thúc một cam kết về một chiến lược toàn diện chống khủng bố tại quốc đảo, với thông điệp "không khoan nhượng với khủng bố".
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore K.Shanmugam và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đã có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị, thảo luận về sự hợp tác giữa các cơ quan an ninh, tình báo của Malaysia, Indonesia và Singapore trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Đông Nam Á.
Hai bên đã nhất trí sẽ chia sẻ thông tin sinh trắc học của các đối tượng khủng bố cũng như các phần tử bị buộc tội khủng bố và chia sẻ kinh nghiệm trong việc cảm hóa các phần tử cấp tiến. Bộ trưởng Shanmugam cho rằng do tính chất xuyên quốc gia của chủ nghĩa khủng bố và sự lôi kéo tư tưởng của IS nên đây sẽ là biện pháp thích hợp nhất để ngăn chặn sự thâm nhập biên giới của các phần tử khủng bố cũng như của tân binh mới được ra tù. Hai Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng đó là những ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong khi đó, đề xuất của Malaysia về việc thành lập một ban thư ký cấp toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố đã được tán thành tại Hội nghị quốc tế chống khủng bố. Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho rằng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với đề xuất trên thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên quy mô toàn cầu.
Theo ông Zahid, tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol sẽ chịu trách nhiệm về ban thư ký trên và đề xuất của Malaysia sẽ sớm được trình lên Hội đồng Bảo an LHQ. Malaysia sẽ cùng làm việc với các bên liên quan nhằm thiết lập Thủ tục Hoạt động Chuẩn (SOP) cho ban thư ký.
Các nhà phân tích cho rằng, các phần tử Hồi giáo cực đoan đang âm mưu thành lập "Vương quốc Hồi giáo" (Caliphate) không chỉ ở Trung Đông mà cả ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo và người dân Đông Nam Á có nhiều lý do để lo ngại trước hành động của IS bởi nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines là có thật khi đã có hàng nghìn phần tử cực đoan ở các quốc gia này tuyên thệ trung thành với "Caliphate" thông qua Internet.
Việc Đông Nam Á đang trở thành mục tiêu để IS phát triển các cơ sở mới sẽ đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với các nước trong khu vực và vấn đề cấp thiết là các nước Đông Nam Á cần đẩy mạnh hợp tác chia sẻ tình báo để đối phó mối đe dọa này./.