Đông Nam Á trước mối đe dọa về an ninh

(PLO) - Trong những năm gần đây, nạn khủng bố quốc tế không chỉ gia tăng ở các khu vực trọng điểm, như: Bắc Phi, Trung Đông, châu Âu,… mà còn lan ra khắp thế giới, với quy mô, hình thức tinh vi, khó lường. 
Hiện trường vụ đánh bom ở Indonesia

Các vụ tấn công gần đây ở Indonesia, Thái Lan, Philippines đã báo hiệu hiểm họa về an ninh mà khu vực Đông Nam Á phải đối mặt. 

Đánh bom kép tại Indonesia

Tối 24/5/2017, hai vụ nổ lớn đã xảy ra tại một bến xe buýt nhanh Tranjakarta ở Kampung Melayu, phía Đông thủ đô Jakarta của Indonesia khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 nghi phạm, 3 cảnh sát và 10 người bị thương. Vụ nổ đầu tiên xảy ra khoảng 20h58 và vụ nổ thứ hai xảy ra khoảng 5 phút sau đó theo giờ địa phương. 

Theo thông tin ban đầu, vụ nổ được cho là phát ra từ phía sau trạm xe buýt Transjakarta, cách trạm này khoảng 20 mét. Cảnh sát đã tìm thấy một túi, trong đó có chất nổ, quần áo và một số vật dụng nghi là của kẻ đánh bom. Thiết bị nổ dường như được đặt trong các nồi áp suất giống như trong vụ tấn công hồi tháng 2 ở thành phố Bandung. Nhiều dấu hiệu cho thấy những kẻ tấn công đã nhắm vào lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho một cuộc tuần hành qua khu vực. 

Ngày 25/5, cảnh sát Indonesia thông báo, danh tính 2 phần tử đánh bom liều chết trong vụ tấn công trên hiện nằm trong danh sách bị truy nã. Chúng có liên quan tới một mạng lưới khủng bố ở tỉnh Tây Java từng thừa nhận thực hiện vụ tấn công tại thủ phủ Bandung hồi tháng 2 vừa qua. Hiện cảnh sát đang tiến hành truy tìm các thành viên của mạng lưới này. Báo Jakarta Post bình luận, đây là một trong những vụ tấn công liều chết nhắm vào lực lượng an ninh nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. 

Bạo loạn ở miền Nam Philippines

Cùng thời điểm với vụ đánh bom ở Indonesia, tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao của Philippines đã xảy ra cuộc xung đột giữa quân đội Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo Maute khiến 3 người chết và 12 người bị thương. Ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte xác nhận, nhóm phiến quân Maute đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào các vị trí của quân đội Philippines, kiểm soát một số tòa nhà chính quyền trong thành phố, đốt cháy một số nhà thờ, trường học, nhà tù của thành phố Marawi. Tình hình căng thẳng đã khiến Tổng thống Rodrigo Duterte rút ngắn lịch trình chuyến thăm Nga trở về nước giải quyết tình hình khẩn cấp. 

Ngày 24/5, Tổng thống Duterte đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn đảo Mindanao, bao gồm cả thành phố Marawi và lệnh này có thể kéo dài 1 năm nếu cần thiết. Và không loại trừ khả năng sẽ thiết quân luật trên cả nước nếu mối đe dọa của lực lượng Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) gia tăng.

Trước tình hình trên, lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines đã được đặt trong tình trạng báo động trên cả nước và tất cả các chỉ huy đơn vị được chỉ thị tăng cường an ninh tại tất cả các cơ sở trọng yếu cũng như các địa điểm công cộng trên cả nước.

Đe dọa khu vực Đông Nam Á

Những diễn biến gần đây cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang có xu hướng mở rộng hoạt động tới khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là thách thức to lớn đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.

Trong bối cảnh các liên quân quốc tế chống khủng bố gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào IS ở Trung Đông khiến nhóm này phải hứng chịu nhiều tổn thất, các thủ lĩnh của IS buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới. Chúng muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để quảng bá tổ chức của mình trong khu vực và thu hút thêm các phần tử cực đoan tại đây, biến khu vực này thành địa bàn hoạt động mới của chúng. 

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, ở Đông Nam Á có 05 nhóm khủng bố chính, gồm: Al-jamah Islamiyah (JI), Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (Philippines), Quân đội Kumpulan Mujahidin (Malaysia), Abu Sayap và Quân đội nhân dân mới (Philippines). Trong đó, đặc biệt nguy hiểm là nhóm JI – một tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng tại khu vực.

Những nhóm này có thể sẵn sàng làm chân rết và gia nhập IS, tạo thuận lợi cho IS dễ dàng đặt chân và tiến hành hoạt động trong khu vực hơn. Theo Báo “The Star” của Malaysia, vừa qua có khoảng 300 tay súng của Abu Bakar Bashir, cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali năm 2002, sau khi được ra tù đã đến đảo Batam, đảo Riau của Indonesia, để chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại nơi này.

Đặc biệt, cùng với thế mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội có thể giúp IS thu hút thêm nhiều phần tử cực đoan đến từ các quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á thì những bất ổn kinh tế, xã hội ở các nước trong khu vực là nguyên nhân khiến nhiều phần tử bất mãn có thể sẵn sàng gia nhập IS khi được chúng tuyển mộ.

Thực tế, chiến lược của IS có thể là nhắm đến việc tạo ra một chi nhánh của tổ chức này ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Indonesia, Malaysia, sau đó có thể lan sang Singapore và các nước khác, từ đó hỗ trợ cho các hoạt động của tổ chức này ở khu vực Trung Đông, hiện thực hóa âm mưu thành lập “Vương quốc Hồi giáo” (Caliphate). Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là mối đe dọa to lớn đối với an ninh, ổn định không chỉ của khu vực Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Đứng trước thách thức trên, các nước Đông Nam Á cần nhận thức rõ hơn về nguy cơ cũng như tích cực đề ra các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước đối tác khác để ngăn chặn khủng bố trong khu vực. Nhất là trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thất thế tại Syria và Iraq, hàng trăm chiến binh đang hồi hương tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khiến giới chức các nước lo ngại chúng sẽ tiếp tục âm mưu khủng bố tại quê nhà. Chính vì vậy, chính phủ một số nước tại khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương đã thống nhất tổ chức hội nghị cấp cao vào tháng 8-2017 để phối hợp hành động chống lại mối đe dọa an ninh từ các chiến binh Hồi giáo về nước sau khi tham chiến tại Syria và Iraq. 

Đọc thêm