Đồng Tháp: Phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện Luật Hộ tịch

(PLVN) -  Qua hơn 6 năm triển khai Luật Hộ tịch, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã từng bước ổn định và đi vào nề nếp. Các sự kiện hộ tịch phát sinh đều được đăng ký kịp thời, đáp ứng yêu cầu của công dân. 

Xác định công tác hộ tịch có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân. Việc đăng ký hộ tịch là cơ sở để cơ quan nhà nước bảo hộ các quan hệ của công dân. Do vậy để triển khai Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã kịp thời xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai và chỉ đạo các địa phương thực hiện. Qua đó, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, con người để tiếp nhận chuyển giao thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch. Đồng thời, rà soát, cập nhật thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, nuôi con nuôi, quốc tịch, chứng thực… Song đó, trình UBND tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính theo từng giai đoạn.

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hộ tịch

Ngoài ra, tỉnh còn linh hoạt và chủ động trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân cho người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên địa bàn quản lý…

Để thực hiện tốt công tác hộ tịch, ngành Tư pháp còn phối hợp với ngành Công an trong việc cấp căn cước công dân để hướng tới việc chấm dứt Sổ hộ khẩu, thướng trú, tạm trú... Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp ngành công an đăng ký và bổ sung một số thông tin về hộ tịch của công dân để phục vụ công tác cấp, quản lý Căn cước công dân. Qua đó, giải quyết cơ bản trên 90% lượt người đủ điều kiện cấp Căn cước công dân. Đối với gần 10% vướng mắc còn lại hai bên đã phối hợp đăng ký khai tử và bổ sung ngày sinh, tháng sinh cho công dân phục vụ công tác cấp Căn cước công dân theo đợt cao điểm “90 ngày đêm” của UBND tỉnh. Qua đó, phục vụ tốt công tác làm sạch dữ liệu quốc gia về dân cư của ngành Công an theo phương châm“đúng, đủ, sạch, sống”.

Bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp đánh giá, qua hơn 06 năm triển khai thi hành thực hiện Luật Hộ tịch, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đã từng bước ổn định và đi vào nề nếp. Công chức Tư pháp - Hộ tịch luôn tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các cơ quan thực hiện đăng ký hộ tịch ý thức được trách nhiệm của mình. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch, tự giác thực hiện đăng ký các sự kiện hộ tịch theo quy định của pháp luật. Qua đó, hạn chế tình trạng đăng ký quá hạn hoặc không đăng ký các sự kiện hộ tịch như: sống với nhau như vợ chồng mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn; người thân của người chết không thực hiện thủ tục đăng ký khai tử… như trước đây.

Theo bà Phượng, mặc dù vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, song sau 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch, về cơ bản, các sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn tỉnh đã được đăng ký kịp thời đáp ứng yêu cầu của công dân, việc giải quyết hộ tịch đã bám sát theo đúng quy định của pháp luật, chặt chẽ hơn.

Để công tác hộ tịch tiếp tục đạt kết quả trong thời gian tới, bà Phượng yêu cầu ngành Tư pháp các cấp tiếp tục nâng cao và phát huy tinh thần trách nhiệm khai thác triệt để các phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch.

Bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp đánh giá cao hoạt động hộ tịch trên địa bàn trong thời gian qua

Các đơn vị cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, góp phần tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về hộ tịch tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và giấy tờ tùy thân cho người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên địa bàn mình quản lý. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em là con của người di cư tự do từ campuchia về theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Bà Phượng lưu ý, cần thống kê, kiểm tra toàn bộ những sổ đăng ký hộ tịch (sổ gốc) ở lĩnh vực khai sinh, nhận cha mẹ con, xác định tình trạng hôn nhân, kết hôn, khai tử phục vụ cho việc scaner Sổ gốc và đối chiếu với 2,8 triệu thông tin Hộ tịch các loại đã nhập từ năm 2019.

“Để làm tốt các nhiệm vụ được giao, tập thể công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tư pháp tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đoàn kết, chủ động, phát huy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, với phương châm “cá nhân trách nhiệm, tập thể đồng lòng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Tư pháp” – bà Phượng nhấn mạnh.

Từ ngày 01/01/2016 cho đến nay công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp huyện và xã đã tiếp nhận và giải quyết trên 1,2 triệu trường hợp đăng ký Hộ tịch các loại. Trong đó thủ tục đăng ký khai sinh trên 700.000 trường hợp; thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân gần 140.000; khai tử trên 100.000; kết hôn gần 100.000 trường hợp; đặc biệt là đã giải quyết trên 129.000 trường hợp thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch để phục vụ cho ngành Công an tỉnh thực hiện việc cấp căn cước công dân. Với khối lượng thủ tục hành chính về hộ tịch đã giải quyết của ngành Tư pháp trong hơn 6 năm qua là không hề nhỏ, đây là những con số biết nói cho chúng ta thấy được những thành tích cũng như khó khăn, vất vả và cả những áp lực đối với công chức ngành Tư pháp, đặt biệt là công chức, tư pháp hộ tịch cấp xã.

Đọc thêm