Đồng thuận đảm bảo an ninh hạt nhân

Được xem là nguồn năng lượng dồi dào nhất cho kỷ nguyên mới, là xương sống của mọi nền kinh tế song cạnh đó, năng lượng hạt nhân cũng là một nguy cơ.

Được xem là nguồn năng lượng dồi dào nhất cho kỷ nguyên mới, là xương sống của mọi nền kinh tế song cạnh đó, năng lượng hạt nhân cũng là một nguy cơ.

hn
Thế giới đã đồng thuận cao về việc đảm bảo an ninh hạt nhân

Quy tụ hàng chục nhà lãnh đạo tới từ 49 quốc gia và tổ chức quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân vừa kết thúc tại thủ đô Washington được xem là hội nghị lớn nhất do Mỹ chủ trì kể từ sau hội nghị thành lập tổ chức Liên hợp quốc năm 1945, cũng là hội nghị tầm cỡ nhất bàn riêng về chủ đề an ninh hạt nhân.

Xét trên bình diện toàn cầu, năng lượng hạt nhân thật đáng mặt “con dao hai lưỡi” khổng lồ. Được xem là nguồn năng lượng dồi dào nhất cho kỷ nguyên mới, là xương sống của mọi nền kinh tế song cạnh đó, năng lượng hạt nhân cũng là một nguy cơ.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo, khủng bố hạt nhân sẽ đặt ra nguy cơ lớn nhất cho nước Mỹ cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nhất là  khi vũ khí hạt nhân rơi vào tay các nhóm khủng bố.

Lời cảnh báo là rất đáng chú ý bởi không thể đoan chắc điều gì khi các tổ chức khủng bố - như mạng lưới al-Qaeda -  đang mưu toan sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu mục tiêu này đạt được, thực trạng an ninh của không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới sẽ trở nên chông chênh hơn bao giờ hết.

Và một khi xảy ra khủng bố hạt nhân, sẽ gây nên những vết thương nghiêm trọng về an ninh, chính trị và kinh tế trên toàn cầu. 

Thực tế và cảnh báo của Mỹ, bởi vậy, dễ dàng nhận được nhiều sự đồng tình. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc các nước đàm phán về một hiệp ước mới cấm sản xuất nguyên liệu dùng để chế tạo bom hạt nhân: “Khủng bố hạt nhân là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt."

Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cũng khẳng định: “ Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về an ninh hạt nhân. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố dưới mọi hình thức và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân an ninh, an toàn vì mục đích hoà bình, vì lợi ích của các quốc gia.”

Lần đầu tiên diễn ra nhưng thật mừng là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế lại có chung một sự đồng thuận lớn đến vậy về an ninh hạt nhân.

 Thông cáo chung phát đi từ hội nghị viết: “Các bên hoan nghênh và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Barack Obama về bảo vệ an ninh cho tất cả các chất liệu hạt nhân dễ bị tổn thương trong vòng bốn năm, và trong thời gian này các nước sẽ cùng nhau hợp tác để củng cố an ninh hạt nhân."

Đây là sự kiện lớn thứ ba, sau việc Mỹ và Nga ký kết một hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược và Nhà Trắng công bố Báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân (NPR) 2010. Thế giới đã đồng thuận trong một vấn đề lớn nhất, khó đồng thuận nhất, cho tất cả chúng ta cùng lạc quan về một tương lai an toàn hơn, phát triển hơn...

Tuệ Nhã