Thị xã Mường Lay nằm ở phía Bắc của tỉnh Điện Biên. Đây có lẽ cũng là thị xã bé nhất cả nước với diện tích khoảng 12.000ha gồm 3 đơn vị hành chính (2 phường và 1 xã), dân số gần 20 ngàn người, chủ yếu là bà con các dân tộc Kinh, Mông, Thái, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số. Diện tích đất sản xuất ở Mường Lay không nhiều, có độ dốc cao, thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất đời sống của người dân.
Trở lại Mường Lay sau gần 10 năm, thị xã từng là một công trường lớn giờ đã đổi thay đáng kể. Anh Lò Văn Trường - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn bản Ho Cang (xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) – cho biết, trong những năm qua, nguồn vốn chính sách đã đồng hành vượt khó cùng đồng bào Mường Lay, những đồng vốn nhỏ đã giúp nhiều hộ gia đình nơi đây tạo nên cơ đồ.
Anh Lò Văn Trường đã làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn bản Ho Cang, xã Lay Nưa được 15 năm. Hiện tổ anh phụ trách có 38 hội viên, dư nợ hơn 1,2 tỷ đồng. “Các hộ vay trong tổ đa số đầu tư nuôi trâu sinh sản, lợn nái, lợn thịt…. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, nhờ đó có cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng” – anh Lò Văn Trường nói.
Trong đó, hộ gia đình anh Lò Văn Tuyên vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo đầu tư nuôi lợn năm 2012. Nhờ đòn bẩy từ đồng vốn chính sách, cùng với sự chịu khó của cả gia đình, đàn lợn được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năm nào cũng bán được 2 -3 lứa, sau 3 năm gia đình anh thoát nghèo, làm được nhà mới, cuộc sống ổn định.
Còn hộ gia đình anh Khoàng Văn Phính vay 50 triệu mua trâu sinh sản, từ 2 con nghé ban đầu, hết thời hạn trả ngân hàng thì đàn trâu có đến 4-5 con. Nó là tài sản lớn của gia đình, nhờ đó nhà anh thoát nghèo, đã trả hết nợ cho ngân hàng và còn có tiền gửi tiết kiệm.
Sau nhiều năm tái định cư, cái khó nhất của đồng bào nơi đây là đất sản xuất ít, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, diện tích đất dành cho cây lúa nhiều nơi không phù hợp, cho năng suất kém, đòi hỏi phải chuyển đổi phương thức sản xuất, nhưng để làm được thì phải có vốn. Thế cho nên những đồng vốn ưu đãi kịp thời từ NHCSXH có nhiều ý nghĩa với các hộ dân nơi đây, nhiều hộ đã thành công chuyển đổi sản xuất nhờ cú hích ưu đãi.
Gia đình anh Lò Văn Tắn, chị Khoàng Thị Xem ở bản Ho Cang, xã Lay Nưa đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đầu tư cải tạo hơn 2 sào đất trồng lúa kém hiệu quả thành ao nuôi cá thịt và cá giống, mỗi năm trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng, có thêm vốn gia đình anh chị còn mở đại lý mua bán thức ăn chăn nuôi. Sự chuyển đổi sản xuất thành công của gia đình anh chị là điểm sáng, là sự động viên lớn để nhiều hộ gia đình mạnh dạn học tập.
Với 30 triệu đồng, gia đình chị Lù Thị Thu, (ở bản Bắc, xã Lay Nưa) mua được 1 con trâu sinh sản, 4 còn lợn nái, còn vốn gia đình mua máy làm khẩu xén – một loại bánh đặc sản của đồng bào dân tộc Thái được làm từ bột sắn hoặc gạo. Chị Thu cho biết: “Sau khi tái định cư về đây, gia đình không có nhiều đất sản xuất. Được NHCSXH cho vay ưu đãi, gia đình tôi mới mua được con trâu, vừa phục vụ sản xuất vừa là tài sản của gia đình. Những lúc nhàn rỗi, gia đình còn làm khẩu xén bán cho bà con trong vùng và các tỉnh lân cận, kiếm thêm đồng ra đồng vào!”
Đi cùng sự phát triển của Mường Lay, trong 15 năm hoạt động, NHCSXH thị xã Mường Lay đã thực hiện tốt vai trò, vị thế là kênh chính trong việc chuyển tải vốn vay ưu đãi của Chính phủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn.
Đến tháng 4/2017, trên địa bàn thị xã Mường Lay còn 1.878 hộ được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, trong đó hộ nghèo là 342 hộ, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 365 hộ… Nhờ các chương trình cho vay ưu đãi đã có hàng trăm hộ thoát nghèo, hàng ngàn lao động có thêm viêc làm, là tác động tích cực cho mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 5 đến 10% ở địa phương.