Dù trúng đạn, vẫn dùng tốt
Những chiếc Abrams trong biên chế quân đội Iraq không chặn được đà tiến quân của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thậm chí nhiều chiếc còn bị phiến quân thu giữ khi chiếm thành phố Mosul vào năm 2014. Ở Yemen, hàng loạt xe tăng M1A2SA hiện đại của Arab Saudi bị phiến quân Houthi phá hủy, thậm chí nổ tung bởi những quả tên lửa chống tăng (ATGM) do Nga sản xuất.
Thổ Nhĩ Kỳ mất số lượng lớn xe tăng M60 Patton và M60T Sabra trong các chiến dịch chống IS và dân quân người Kurd ở khu vực phía nam giáp với biên giới Syria. Ankara sau đó tung vào trận những chiếc Leopard 2A4 hiện đại do Đức sản xuất, nhưng cũng hứng chịu thiệt hại lớn khi 8-10 chiếc bị phiến quân IS phá hủy chỉ trong vài ngày.
"Một ngoại lệ trong xu hướng này là dòng T-90A của Nga", chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận xét. Dòng T-90 được Moskva phát triển từ đầu thập niên 1990, dựa trên khung thân xe tăng chủ lực T-72B nâng cấp và sử dụng tháp pháo mới, ứng dụng nhiều công nghệ của dòng T-80U, nhằm tạo ra dòng MBT có uy lực mạnh nhưng không quá đắt đỏ như T-80.
Một chiếc T-90A hoàn chỉnh chỉ nặng khoảng 50 tấn, nhẹ hơn nhiều so với mức 60-70 tấn của xe tăng Leopard 2 hoặc M1A2 Abrams. Hệ thống nạp đạn tự động giúp tổ lái rút gọn chỉ còn ba người là lái xe, trưởng xe và pháo thủ, thay vì bốn như phần lớn xe tăng phương Tây. Điều này khiến T-90A có hình dáng nhỏ gọn, khó bị phát hiện và bắn trúng trên chiến trường.
Khi Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria vào cuối năm 2015, nước này cũng chuyển giao khoảng 30 xe tăng T-90A cho quân đội chính phủ, cùng nhiều chiếc T-62M và T-72 nâng cấp. Đây là sự bổ sung đáng kể và cấp thiết cho Damascus, sau khi họ mất hơn 2.000 xe tăng, thiết giáp kể từ khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011, cũng như việc phe nổi dậy được CIA bí mật trang bị tên lửa TOW-2A từ năm 2014. Nhiều quả tên lửa TOW sau đó lọt vào tay các nhóm phiến quân ở Syria.
Xe tăng T-90A được biên chế cho Sư đoàn thiết giáp số 4, cùng Lữ đoàn Chim ưng Sa mạc và Đặc nhiệm Hổ, hai đơn vị tinh nhuệ thường đảm nhận các chiến dịch tiến công của quân đội Syria.
|
Xe tăng T-90A Syria trong chiến dịch giải phóng Aleppo năm 2016 |
Khả năng phòng vệ của dòng xe này được thể hiện lần đầu vào tháng 2/2016, khi phiến quân Syria đăng video phóng tên lửa TOW-2A nhằm vào một chiếc T-90A ở đông bắc Aleppo. Quả đạn đánh trúng mặt trước tháp pháo, tạo ra quầng lửa và đám khói lớn. Pháo thủ bị choáng do không đóng nắp tháp pháo và tháo chạy ra ngoài, nhưng chiếc xe tăng vẫn không bị phá hủy.
"T-90A sở hữu nhiều lớp bảo vệ mà xe tăng Abrams và Leopard 2 không có, giúp nó đối phó hiệu quả với ATGM. Phần lớn thiệt hại của xe thiết giáp trong hàng chục năm gần đây đều bắt nguồn từ ATGM và vũ khí chống tăng vác vai, chứ không phải do pháo chính trên xe tăng đối phương", Roblin nhận xét.
Hệ thống phòng thủ đặc biệt
Lớp bảo vệ đầu tiên của T-90A là hệ thống phòng vệ thụ động Shtora-1, nổi bật ở "đôi mắt" nằm hai bên pháo chính. Nó sẽ phát ra ánh sáng màu đỏ khi hoạt động, có chức năng gây nhiễu, chế áp hệ thống dẫn đường laser và hồng ngoại trên ATGM, khiến chúng bay lệch khỏi mục tiêu.
Shtora-1 còn bao gồm cụm ống phóng lựu đạn khói, có khả năng tạo sol khí hấp thụ dải sóng hồng ngoại, khiến xạ thủ ATGM đối phương không thể dẫn quả đạn lao tới mục tiêu. Hệ thống phòng vệ này còn được tích hợp cảm biến chiếu xạ laser 360 độ, giúp xe tăng tự động kích hoạt các biện pháp phòng vệ khi bị đối phương nhắm bắn.
Nó thậm chí có khả năng điều khiển nòng pháo chính quay tới vị trí nguồn phát laser, cho phép pháo thủ chủ động khai hỏa diệt mối đe dọa.
Tiếp đó là giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-5 được lắp ở mặt trước thân xe và phần lớn tháp pháo. Nó tạo ra hình dáng vỏ sò cho tháp pháo của T-90A, bảo vệ tổ lái khỏi những đợt tấn công từ mặt trước, mặt bên và trên nóc xe. Kontakt-5 đặc biệt hiệu quả khi đối phó với đầu đạn nổ lõm (HEAT) trên ATGM, cũng như đủ sức vô hiệu hóa đạn xuyên giáp dưới cỡ tách vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) M829A2 của Mỹ.
Lớp phòng thủ cuối cùng của T-90A là giáp phức hợp với vỏ ngoài là thép độ bền cao, bên trong gồm nhiều lớp vật liệu tổng hợp xen lẫn với các tấm thép dày. Thiết kế này giúp tăng khả năng phòng vệ và cắt giảm được khối lượng đáng kể so với giáp thép cán đồng nhất (RHA) có cùng độ dày.
Trong một vụ tấn công ngày 28/7/2016, xe tăng T-90A của quân đội chính phủ Syria bị trúng tên lửa TOW-2A của phiến quân ở khu vực Al Mallah, tỉnh Aleppo. Hệ thống ERA Kontakt-5 hoạt động tốt, phá hủy đầu đạn ATGM trước khi nó kịp gây hại giáp chính. Trong khi tổ lái tìm cách rút lui, một quả TOW-2A tiếp tục đánh trúng chiếc T-90A nhưng vẫn không vô hiệu hóa được xe.
Dù vậy, những chiếc T-90A không hoàn toàn vô địch trên chiến trường. Khoảng 5-6 chiếc đã bị phá hủy hoặc rơi vào tay phiến quân, trong đó nhiều xe bị vô hiệu hóa vì sự chủ quan và hèn nhát của tổ lái.
Ngoài khả năng phòng vệ tốt, T-90A còn sở hữu hệ thống cảm biến quang học và máy tính đường đạn tối tân, vượt trội hoàn toàn so với những xe tăng đời cũ như T-62M và T-72. Chúng thường thể hiện ưu thế khi công kích phiến quân từ xa hoặc trong đêm tối.
"Dòng T-90A tương đối thành công trên chiến trường, bất chấp những thiệt hại do khả năng phối hợp kém giữa lính bộ binh và tăng thiết giáp, vấn đề từ lâu của quân đội Syria. Không có chiếc T-90A nào bị phá hủy bởi vũ khí tầm ngắn như RPG-7 và RPG-29, do chúng luôn đóng vai trò yểm trợ hỏa lực tầm xa", nhà phân tích Janub Janovsky nhận xét.
Ngoài Syria, các xe tăng T-90 cũng xuất hiện tại Iraq. Nước này đã đặt mua 73 xe tăng T-90S và biến thể chỉ huy T-90SK từ Nga vào năm 2017, đơn hàng được hoàn tất trong năm nay. Bộ Quốc phòng Iraq hồi tháng 6/2018 công bố quyết định biên chế 39 chiếc T-90S cho Lữ đoàn 35 thuộc Sư đoàn thiết giáp số 9, thay thế toàn bộ xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ tại đơn vị này.
Hồi đầu năm 2017, nhà máy UralVagonZavod đã công bố hình ảnh của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M, phiên bản nâng cấp sâu của dòng T-90A. Dòng tăng này ứng dụng nhiều công nghệ mới, được phát triển trên nền tảng mẫu T-90MS dành cho xuất khẩu.
"Chúng tôi có khoảng 400 xe tăng sản xuất từ đầu những năm 2000. Chúng đã hoạt động trong 12-15 năm và cần được nâng cấp. Do vậy, quân đội Nga đang xem xét vấn đề hiện đại hóa lực lượng xe tăng", Thứ trưởng Quốc phòng Nga phát biểu.
Xe tăng T-90M vẫn sử dụng pháo nòng trơn 2A46M5 với khả năng bắn các loại đạn thanh xuyên động năng (APFSDS), nổ mảnh (HEF), nổ lõm (HEAT) và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).
Tổ lái 3 người bao gồm lái xe, pháo thủ và trưởng xe. T-90M dự kiến được trang bị hệ thống bám bắt mục tiêu tự động và máy tính điều khiển hỏa lực mạnh hơn trước. Xe sử dụng mẫu động cơ mới, công suất 1.300 mã lực. Khối lượng dự kiến của T-90M là 50 tấn, nặng hơn 2 tấn so với T-90MS và 3,5 tấn so với T-90A.
T-90M được trang bị giáp phức hợp mới cùng các module giáp phản ứng nổ Relikt tích hợp, thay thế phiên bản Kontakt-5 trên T-90A. Mặt trước tháp pháo còn trang bị thêm một lớp giáp lồng để chặn đầu đạn HEAT, tăng hiệu quả chống các loại đầu đạn kép của RPG-29 hay TOW-2A.
Bên sườn xe cũng được lắp giáp Relikt để tăng khả năng bảo vệ. Lớp giáp này có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn APFSDS, cũng như vô hiệu hóa đầu đạn HEAT nổ kép. T-90M được lắp hệ thống gây nhiễu Shtora-1, có khả năng vô hiệu hóa nhiều loại ATGM hiện nay. Bộ phát tín hiệu gây nhiễu đã được thu gọn đáng kể so với phiên bản T-90A, khiến đối phương khó phá hủy thiết bị này.
Việc Bộ Quốc phòng Nga nâng cấp tăng T-90 là dấu hiệu cho thấy dòng Armata T-14 chưa thể trở thành xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Nga trong những năm tới. Nhiều khả năng lục quân Nga vẫn sẽ vận hành bộ đôi T-72B3 và T-90M trong vai trò chủ lực, kết hợp với các mũi nhọn Armata T-14 trong vòng 10 năm tới, một chuyên gia quân sự nhận định.