Đến nay, thay vì 7 cảng biển thí điểm thủ tục điện tử thông qua cơ chế một cửa quốc gia, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đang triển khai thủ tục điện tử tại 34 cảng biển trên toàn quốc.
Giáp Tết, khách du lịch tàu biển tăng
Mùa du lịch tàu biển hàng năm được tính từ tháng 10 năm trước đến tháng tư năm sau. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong số hơn mười triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016, có 284.855 lượt khách đến bằng phương tiện đường biển, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2015, cao nhất trong các phương tiện đưa khách du lịch tới nước ta (đường hàng không tăng 31,7%; đường bộ giảm 2,3%).
Riêng tháng 11/2016, đã có tới 16.640 lượt khách tàu biển đến Việt Nam. Ngoài khách Mỹ, châu Âu, Australia, Áo... có thêm khách Trung Quốc - thị trường hoàn toàn mới với du lịch tàu biển. Ngày 1/11/2016, tàu biển Superstar Virgo do Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng khai thác đã đưa 1.200 khách Trung Quốc cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ngày 2/11, Saigontourist đón và phục vụ đoàn 1.800 du khách và thuyền viên (quốc tịch Trung Quốc, Áo, Australia, Canada...) tham quan Hà Nội và Hạ Long.
Tháng 11/2016, siêu du thuyền đẹp nhất châu Á Genting Dream của Tập đoàn Du lịch tàu biển Genting Hong Kong và Dream Cruise Line lần đầu tiên cập cảng Đà Nẵng khởi động cho tour du lịch cố định Hồng Kông - Trung Quốc - Đà Nẵng - Hạ Long với sức chứa 3.000 khách, chưa kể thủy thủy đoàn đã cập cảng Tiên Sa, cảng Tân Cảng - Cái Mép (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng nổi Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh). Ngày 25/11, tàu du lịch Ovation of the Seas (quốc tịch Bahamas) chở gần 4.100 du khách và 1.596 thủy thủ đoàn cập cảng Chân Mây (Đà Nẵng).
Chỉ tính riêng năm 2016, Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Đà Nẵng đã làm thủ tục cho gần 2.000 tàu thuyền, với hơn 200.000 lượt khách, thuyền viên và hơn 1 triệu tấn hàng; trong đó có 10 chuyến tàu quân sự nước ngoài đến cảng Đà Nẵng với 2.611 thủy thủ đoàn; 12 thuyền buồm trong khuôn khổ cuộc đua thuyền buồm Clipper Round The World 2015/2016. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 này, du lịch tàu biển Việt Nam càng sôi động. Nhờ thủ tục thông thoáng, nhanh gọn nên dù lượng khách lớn, các cửa khẩu không có tình trạng ùn tắc, du khách đi bờ không phải vất vả chờ đợi thủ tục. Đó là thành công lớn trong cải cách thủ tục hành chính cảng biển.
|
Khách du lịch tàu biển cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) |
Khai báo thủ tục Biên phòng qua thư điện tử - Bước đột phá mới
BĐBP có nhiệm vụ quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện tại 30 cửa khẩu cảng thuộc 24 tỉnh, thành phố với 105 cảng biển. Theo thống kê của Cục Cửa khẩu, hàng năm có từ 5 đến 6 triệu lượt người xuất nhập cảnh (XNC), 500 đến 600 nghìn lượt tàu thuyền của nước ngoài đến Việt Nam.
Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát XNC, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực cửa khẩu biên giới đường bộ và cảng biển, BĐBP đã không ngừng đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát XNC, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới, cảng biển.
Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Đề án đơn giản hóa TTHC, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, BĐBP còn đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu nói chung, cửa khẩu cảng biển nói riêng như: Triển khai trung tâm xử lý dữ liệu tại 21 cửa khẩu quốc tế; 29 đường truyền dữ liệu tốc độ cao; 130 hộp thư điện tử; trang bị hơn 3.000 loại thiết bị gồm hệ thống đầu đọc và kiểm tra hộ chiếu; đầu đọc hộ chiếu; đầu đọc thẻ từ, công nghệ mã vạch; cổng từ; máy in thẻ từ; bộ phương tiện kiểm soát phát hiện chất ma túy, phóng xạ; phương tiện tuần tra, kiểm soát, thông tin liên lạc... cho các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cảng biển trọng điểm. Đồng thời, triển khai khép kín hệ thống máy tính cài đặt chương trình nghiệp vụ cho các cửa khẩu phụ.
Việc thực hiện khai báo thủ tục Biên phòng qua thư điện tử được xem là bước đột phá mới trong cải cách TTHC tại các cửa khẩu, cảng biển của lực lượng BĐBP. Năm 2007, Cục Cửa khẩu đã tiến hành thí điểm khai báo thủ tục Biên phòng qua thư điện tử tại 7 đơn vị BĐBP cửa khẩu cảng biển gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Đây là 7 cửa khẩu cảng biển quốc tế của Việt Nam có lưu lượng phương tiện, hàng hóa và hành khách lớn nhất. Đến nay, lực lượng BĐBP đang triển khai thủ tục điện tử tại 34 cảng biển trên toàn quốc.
Thiếu tướng Lê Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Cửa khẩu BĐBP cho biết: “Theo quy trình khai báo thủ tục qua thư điện tử, các loại giấy tờ mà người làm thủ tục tại cửa khẩu cảng phải nộp cho BĐBP đã giảm từ 9 loại xuống còn 5 loại. Thời gian làm thủ tục XNC cho người, phương tiện giảm đáng kể; đối với một chuyến tàu từ 2,5 đến 3 giờ được rút xuống còn khoảng 30 phút.
Những thủ tục rườm rà, chồng chéo trong lĩnh vực kiểm soát XNC được BĐBP loại bỏ nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của TTHC. Khai báo thủ tục Biên phòng qua thư điện tử đã giảm bớt thời gian chờ đợi của tàu trong lúc đại lý đi làm thủ tục; tàu vào cảng là có thể làm hàng ngày khi đại lý có xác nhận khai báo tàu đến do BĐBP gửi qua thư trình cán bộ Biên phòng làm nhiệm vụ giám sát”.
Cải cách TTHC đã tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí neo đậu, bến bãi, hao mòn máy móc, phương tiện... cho hành khách. Đối với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng làm thủ tục thì quá trình nhập thông tin, dữ liệu của tàu, thuyền viên vào chương trình quản lý XNC được rút ngắn về thời gian, giảm sai sót trong việc nhập dữ liệu.
Năm 2016, cải cách TTHC cảng biển đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện Biên phòng nổi bật.