Đột phá giải ngân vốn đầu tư công

(PLVN) - Là động lực quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, 9 tháng qua vốn đầu tư công (ĐTC) đã giải ngân được 51,38% kế hoạch. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, chưa năm nào ĐTC vượt qua 50% kế hoạch trong 9 tháng.
Giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet)
Giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet)

Đầu tư công dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 cuối tuần qua, chia sẻ về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội quý III cũng như 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá, mức tăng trưởng quý III đạt 5,33% là “rất đáng mừng, vượt khỏi những mong đợi trước đây của chúng tôi”. Sự bứt phá của quý III đã đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%. Trong đó có điểm nhấn là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng tháng sau tốt hơn tháng trước, đóng góp vào tổng thể quý sau tốt hơn quý trước…

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bước đột phá như trên là rất tốt so với bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn. “Nếu so sánh với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới thì tăng trưởng của chúng ta là cao. Trong khu vực châu Á, so với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đều cao hơn, thậm chí hơn cả những nước châu Âu như Anh, Pháp, kể cả Mỹ…” - Thứ trưởng Phương dẫn chứng.

Một trong những động lực tăng trưởng được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhắc đến là giải ngân vốn ĐTC. 9 tháng giải ngân vốn ĐTC đã được 51,38%. “Đối với ĐTC 9 tháng, chưa năm nào vượt qua 50% cả. Năm nay đã vượt qua, đây là điều rất vui!”- Thứ trưởng hào hứng, đồng thời nhấn mạnh: “Số tiền tuyệt đối mà chúng ta giải ngân cao hơn năm ngoái hơn 110 nghìn tỷ đồng, đây là con số rất lớn…”.

Áp lực trả lại vốn…

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 8 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân ĐTC của cả nước đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 39,15%. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, tính đến đầu tháng 9/2023, vẫn có tới 41/52 Bộ, cơ quan TW và 30/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC dưới 40% kế hoạch. Đây cũng là những đơn vị có nhu cầu trả lại kế hoạch vốn năm 2023.

Số liệu tổng hợp từ Bộ KH&ĐT cho thấy, đến cuối tháng 8, các Bộ, ngành, địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm gần 9.356 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023. Riêng với vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có một số trường hợp như: Bộ LĐ-TB&XH đề nghị rút khỏi chương trình, với số vốn là 946,6 tỷ đồng; Bộ GD&ĐT đề nghị rút 1 dự án ra khỏi chương trình; Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Bộ VH,TT&DL) xin điều chỉnh giảm nguồn vốn thực hiện dự án chuyển đổi số với số tiền trên 83 tỷ đồng… Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị điều chỉnh cho dự án “Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng” 260 tỷ đồng do không có khả năng giải ngân đến trong năm 2023…

Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), tình trạng xin điều chỉnh giảm vốn tiếp tục diễn ra không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch ĐTC nói riêng mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn lực quốc gia.

Về vấn đề này, tại Tọa đàm: “Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo đà tăng trưởng” diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, điều chỉnh giảm vốn là giải pháp hoàn toàn đúng theo Luật ĐTC và Luật Ngân sách nhà nước (không vượt tổng mức đầu tư) để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, có thể đưa nhanh các công trình, dự án mà gần đến điểm nghiệm thu đưa vào sử dụng khai thác. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, tỷ lệ giải ngân cả năm phải đạt được 95% kế hoạch. Theo ông Kiên đây vẫn là thách thức lớn.

“Thực tế, chậm giải ngân vốn ĐTC là “căn bệnh” cần phải có lộ trình khắc phục, tối thiểu là 5 năm, bởi vướng vào Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật ĐTC, Luật Quản lý vốn và tài sản nhà nước… Đây là những vấn đề chúng ta cần khắc phục. Chúng ta cần bình tĩnh trước những con số và tin tưởng các đơn vị được phân bổ vốn sẽ có trách nhiệm giải ngân, cũng như các nhà quản lý có sự nhìn nhận, đánh giá để có cơ chế, chính sách phù hợp…” - Chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Đọc thêm