Các chuyên gia của Bệnh viện ĐHYD Shing Mark đã đưa ra một số thông tin để giúp giúp chúng ta có cách phân biệt chính xác và phòng chống, cứu chữa kịp thời khi những người xung quanh bị “đột quỵ” hoặc “đột tử”.
“Đột quỵ” và “Đột tử” hai loại sự cố hoàn toàn khác nhau
Đột quỵ (stroke) hay là đột quỵ não chính là tai biến mạch máu não gồm 2 thể chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não là dạng thường gặp nhất, chiếm 75 - 85% các trường hợp đột quỵ. Nhồi máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu não. Khi đó, tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu thì tế bào sẽ chết.
Khoảng 10% - 20% đột quỵ là do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ, máu chảy đột ngột vào trong hoặc xung quanh nhu mô não. Xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não, nhưng lại có xu hướng tử vong nhiều hơn. Nguyên nhân có thể là do tăng huyết áp không được điều trị tốt, vỡ phình mạch, vỡ dị dạng động – tĩnh mạch…
Đột quỵ não thường biểu hiện là đột ngột liệt nửa người, méo miệng, nói đớ, có thể kèm rối loạn tri giác, hôn mê,… nhưng thường xảy ra sau vài giờ. Bệnh nhân thường không tử vong ngay mà có thể sau vài giờ hay vài ngày, tùy thuộc nguyên nhân và mức độ tổn thương.
Đột quỵ thường liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, rối loạn chuyển hóa mỡ... qua một thời gian không được chẩn đoán và điều trị tốt.
Trong khi đó, đột tử do tim (sudden cardiac death) lại là biến cố tim ngừng đập đột ngột. Đột tử có nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là bệnh mạch vành biến chứng nhồi máu cơ tim cấp; bệnh lý loạn nhịp tim; hoặc có bệnh tim trước đó (như bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim dãn) dẫn đến nhanh thất hoặc rung thất.
Hãy thử hình dung một người đang bình thường (đang chơi thể thao hoặc đang hội họp, làm việc, sinh hoạt tình dục, thậm chí đang nghỉ ngơi…) đột nhiên gục xuống, và hầu hết tử vong ngay lập tức, trừ khi được khử rung tim bằng máy khử rung tại chỗ hoặc được đưa vào bệnh viện kịp thời hồi sinh tim phổi (CPR) kịp thời.
Cần làm gì để phòng ngừa và điều trị đột quỵ, đột tử?
Tuy đột tử do tim có vẻ rất “đột ngột” nhưng thực chất đây là sự cố xảy ra sau một quá trình dài trái tim đã “có bệnh” mà bệnh nhân không hề biết hoặc lơ là, chủ quan, hoặc điều trị không đúng cách.
Theo TS BS Lê Thị Thu Thủy – Chuyên gia Nội tim mạch tại Bệnh viện ĐHYD Shing Mark có lời khuyên cho tất cả mọi người là nên chủ động khám sức khỏe định kỳ, trong đó có những người cần đặc biệt cảnh giác với các bệnh tim mạch và nguy cơ đột tử do tim như: Trong gia đình đã có người đột tử, mất đột ngột khi trẻ tuổi mà không chẩn đoán được nguyên nhân; Trong gia đình có người mắc các bệnh tim mạch di truyền như hội chứng Brugada, hội chứng QT kéo dài bẩm sinh (loạn nhịp tim), bệnh cơ tim phì đại…; Thường xuyên hút thuốc lá, căng thẳng, lối sống ít vận động, béo phì...; Mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, có tiền sử nhồi máu cơ tim ...
Để phòng ngừa, chuyên gia khuyên mọi người nên thay đổi lối sống, chẳng hạn, ngưng hút thuốc lá, tăng cường vận động thể lực, không ăn quá mặn, quá béo, giảm béo phì. Chấp nhận một chế độ điều trị lâu dài và liên tục nếu có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch ...
Tóm lại, đột quỵ não và đột tử do tim là 2 hiện tượng khác nhau, nhưng giống nhau là đều có thể xảy đến bất cứ lúc nào, ở bất kỳ lứa tuổi nào, hậu quả là tàn phế và tử vong.
Chính vì vậy, người dân cần tư vấn với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ về nguyên nhân và cách phòng tránh sẽ giúp mỗi người bảo vệ tốt sức khỏe cũng như tính mạng quý báu của chính mình.