Sáng 12/3, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Điều băn khoăn nhất là sách giáo khoa
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bảo đảm tính khả thi.
Có ý kiến đề nghị chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất, xây dựng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; quy định cụ thể việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục.
Về quy định mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã sắp xếp, bổ sung các quy định cụ thể về các yêu cầu cơ bản của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành sách giáo khoa. Các nội dung chi tiết và trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục của Luật và phù hợp với thực tiễn (Điều 31).
Về quy định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm thống nhất trong toàn quốc: Thường trực Ủy ban cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD & ĐTban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt, ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật đã quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn sách giáo khoa (Điều 31); bổ sung quy định về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông trước khi ban hành (khoản 1 Điều 31) và Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 104).
Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ GD & ĐTchịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa (Khoản 3 Điều 31). Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ như quy định Dự thảo Luật về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Điều băn khoăn nhất của tôi là sách giáo khoa. Quy định của dự thảo Luật: “Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn” có thể gây phức tạp. Quy định này liệu có làm phát sinh xu hướng “chạy” để sách giáo khoa của mình để được địa phương chọn”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ giải thích, làm rõ hơn về quy định này.
Các nước trên thế giới không ấn định một bộ sách giáo khoa
Giải thích các băn khoăn về nhiều sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dù ai viết sách giáo khoa thì Hội đồng thẩm định Quốc gia, Bộ trưởng GD & ĐTvẫn phải phê duyệt và chịu trách nhiệm. Điều đó rất rõ trong luật.
Xu thế của thế giới, không nhất thiết dựa vào sách giáo khoa mà phải dựa vào chương trình giáo dục phổ thông. Cơ bản như thế giới, họ không ấn định một bộ sách giáo khoa. Ví dụ như Lịch sử, chương trình quy định rất chi tiết nội dung nhưng người viết sách có thể sắp xếp sự kiện, chọn nhân vật khác nhau.
“Sách giáo khoa được xã hội rất quan tâm. Với xã hội, nó không phải khoản chi lớn nhưng với mỗi gia đình nó là khoản chi rất đáng kể. Nên phải có sử dụng tiết kiệm. Vì vậy tôi cho rằng nên tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, cần quy định trách nhiệm của Bộ trưởng để sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm”.
Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ GD & ĐTPhùng Xuân Nhạ cho biết, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này, rất khác, có thể nói là khác căn bản với so với trước. Lần trước đổi mới là từ sách giáo khoa nên mọi người mới nghĩ sách giáo khoa là cơ sở pháp lý để tất cả các vấn đề phải đi theo. Thậm chí tất cả các giáo viên dựa chặt vào sách giáo khoa để giảng dạy.
Cho nên xây dựng chương trình tổng thể lần này, các môn học soạn chi tiết là những nội dung rất quan trọng. Theo chỉ đạo của Quốc hội, Nghị quyết 88 và của Chính phủ chúng tôi chỉ đạo các chuyên gia bám sát và xây dựng khung để 80% thống nhất trong toàn quốc như pháp lệnh, 20% có sự linh hoạt của các địa phương.
Như vậy chương trình tổng thể, chương trình môn học và chương trình các địa phương đã được bàn thảo, xin ý kiến rất kỹ.
Cho đến nay, sau khi có chương trình môn học được Bộ ban hành, các địa phương đã tiếp cận triển khai. Do vậy sách giáo khoa dứt khoát, thể hiện cụ thể, mục tiêu, phương pháp của chương trình.
“Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết phải bám chặt vào sách giáo khao mà còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên linh hoạt. Điểm mấu chốt của đổi mới chương trình lần này là khuyến khích đổi mới phương pháp dạy học. Chính vì vậy chương trình thống nhất trong toàn quốc, còn sách giáo khoa thì theo Nghị quyết 88”, Bộ trưởng nói.
Theo đó, quá trình làm sách giáo khoa là cả một quá trình rất chi tiết và huy động các nhà khoa học, các nhà giáo có kinh nghiệm qua các quy trình từ biên soạn thử nghiệm, chế bản, đồ họa, in ấn phát hành, rất nhiều công đoạn công phu.
Trong quá trình biên soạn, Bộ đã có hướng dẫn điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự của những người tham gia chứ không phải ai thích cũng được.
Trong quá trình chọn sách giáo khoa, sách của Bộ chỉ đạo ban hành hay sách của tổ chức cá nhân, Bộ trưởng vẫn phải ký ban hành đó.
Về giá sách giáo khoa, theo Bộ trưởng Nhạ, mặc dù cũng giống như các mặt hàng nhưng đây là mặt hàng rất nhạy cảm. Trước đó Quốc hội cũng đã yêu cầu giải trình về sách giáo khoa. Qua thực tiễn, Bộ thấy bất cập, khi 8 năm chưa tăng gíá sách. Nhà xuất bản xin, Bộ Giáo dục không cho tăng giá sách giáo khoa. Khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có đề nghị, chúng tôi thống nhất về chủ trương và xin ý kiến về giá.
“Nếu không chuẩn bị tốt, kỹ thì tạo ra hệ luỵ lớn. Chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản dừng lại khâu xin chủ trương và tự kê. Và chúng tôi thẩm định giá đấy có tính đúng, tính đủ không. Chuẩn bị không kỹ và chưa có truyền thông tốt sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội rất lớn không chỉ về sách giáo khoa mà còn tác động tiêu cực đến vấn đề khác. Chúng tôi không đặt vấn đề tăng hay không tăng mà đặt vấn đề nhà xuất bản phải rà soát các chi phí hiện nay để tính đúng, tính đủ. Lúc đó sẽ xem xét theo đúng quy trình. Tới đây chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản tính đúng, tính đủ khẩn trương và công khai minh bạch để xin ý kiến chính phủ", Bộ trưởng nói.