Dự án cao tốc Bắc – Nam: Công khai, minh bạch khi thực hiện chỉ định thầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội khi thống nhất với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo hình thức đầu tư công, tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/1.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) và nhiều đại biểu khác tán thành với việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công để đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông; để nước ta không lỡ nhịp phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới; đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, đây là tuyến đường chiến lược nên QH cần áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công bởi tuyến đường này làm nhanh chính là phục hồi kinh tế nhanh.

Đề cập đến vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB), đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) nhấn mạnh, dự án có mức độ tác động lớn, trải dài qua nhiều tỉnh, thành, do đó, cần có giải pháp chủ động, phù hợp với GPMB.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cân nhắc dự kiến nguồn kinh phí GPMB trong dự án tái định cư là hơn 19.000 tỉ đồng, trong đó bao gồm cả dự trù chi phí trồng rừng thay thế, hỗ trợ chuyển đổi đất lúa 2 vụ, số hộ bị ảnh hưởng gần 15.000 hộ, số hộ tái định cư gần 12.000 hộ để có cân đối phù hợp.

Về huy động vốn, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng cân đối vốn theo phân kỳ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án theo khoản 3, điều 18 Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần có phương án cụ thể, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thu phí, chuyển nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi, minh bạch, tránh mất mát tài sản của Nhà nước.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, dù Nhà nước đã dùng ngân sách để đầu tư nhưng Chính phủ đã đưa ra giải pháp thu hồi vốn bằng cách sau khi dự án hoàn thành sẽ tổ chức chuyển nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây là một hình thức xã hội hóa trong đầu tư.

Nhận định phương án Chính phủ đưa ra là phù hợp nhưng đại biểu đề nghị Chính phủ cần đảm bảo minh bạch trong tổ chức thực hiện để không thất thoát nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội), tuyến đường này hoàn thành, chúng ta sẽ hoàn thành trục huyết mạch từ Bắc vào Nam, kết nối được sự lưu chuyển hàng hóa và khai thác được nguồn lực giao thông nên đây là việc hết sức quan trọng, đồng tình phải ưu tiên đầu tư sớm nhất.

Đồng tình với việc trong khi cơ chế đấu thầu hiện còn bất cập, chỉ định thầu là cần thiết nhưng đại biểu cho rằng, phải thiết kế lại và phải thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án, đặc biệt là khi thực hiện chỉ định thầu.

Về sử dụng nguồn vốn, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, dự án dự kiến sẽ sử dụng 72.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để cho đầu tư dự án. Tuy nhiên, theo tiến độ, trong năm 2022-2023, tổng giải ngân của dự án chỉ có 31.000 tỷ đồng mà gói phục hồi kinh tế là nhằm giải ngân phục hồi trong 2 năm 2022 và 2023.

“Do vậy, phải chăng khi phân bổ 72.000 tỷ đồng vào dự án này thì còn ít nhất 40.000 tỷ đồng sẽ không được giải ngân đúng theo mục tiêu phục hồi kinh tế”, đại biểu nói.

Còn đại biểu Đinh Thị Phương Loan dẫn việc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có dự án này.

Do đó, trường hợp dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đặc biệt là khả năng gây hiệu ứng lấn át khi tăng trưởng quá mức đầu tư công và nợ công đối với nền kinh tế.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác đề nghị tách GPMB thành dự án độc lập, giao địa phương thực hiện và quan tâm bố trí ngân sách đảm bảo cũng như cơ chế đặc thù, nhất là về mặt thủ tục để thực hiện.

Đọc thêm