Cơ hội mong manh
Dù tại Hội nghị kêu gọi đầu tư cho Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông vừa mới diễn ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT đã tuyên bố không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay quốc tế tham gia dự án, miễn là đủ điều kiện thì sẽ trúng thầu, nhưng thực tế, các DN trong nước khó mon men “sân chơi” lớn này.
Một số DN trong nước chỉ dám “mon men” vào dự án có giá trị thấp nhất (6.333 tỷ đồng), nhưng vẫn không chắc thắng |
Hồ sơ mời thầu của Bộ GTVT đối với những dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông nêu rõ, điều kiện để được chọn thầu, DN phải có vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án; DN đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xem xét…
Trong khi đó, các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông đều có tổng mức đầu tư khá lớn. Cụ thể, dự án đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu là 8.381 tỷ đồng; đoạn Mai Sơn – QL45 là 12.918 tỷ đồng; đoạn QL 45 – Nghi Sơn là 6.333 tỷ đồng; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là 13.338 tỷ đồng; đoạn Nha Trang - Cam Lâm là 7.615 tỷ đồng; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 13.687 tỷ đồng; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 11.603 tỷ đồng; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là 14.359 tỷ đồng.
Như vậy, trong các dự án triển khai theo hình thức PPP nêu trên có tới 6 dự án có tổng đầu tư quá 10 nghìn tỷ, chỉ có một dự án hơn 6 nghìn tỷ và một dự án hơn 8 nghìn tỷ. Để có vốn đảm bảo bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án, nếu không liên danh, kết hợp, nhiều DN chắc chắn khó lại gần.
Thêm nữa, quy định DN phải có kinh nghiệm từng triển khai dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét cũng là một “chướng ngại vật” không hề nhỏ với đa số các DN trong nước. Bởi những DN đáp ứng được điều kiện này ở Việt Nam hiện không phải là nhiều.
Trao đổi với PLVN, Chuyên gia kinh tế Ngô Hà Quân - Quỹ đầu tư Eco Capital thừa nhận, các DN nội khó cạnh tranh với các DN ngoại trong đấu thầu thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo vị này, ngoài khó khăn về vốn chủ sở hữu và kinh nghiệm, các DN nội hiện nay cũng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do hệ thống ngân hàng đang siết các khoản cho vay lớn, dài hạn.
Cụ thể, dư nợ tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có chủ trương giảm dần tỷ lệ cho vay dài hạn với số vốn lớn nên khả năng huy động vốn từ ngân hàng thương mại trong nước của các DN nội chắc chắn gặp khó khăn. “Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng cơ hội cho các DN nội thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông là rất mong manh”, ông Quân nói.
DN ngoại nhiều lợi thế?
Ông Nguyễn Văn An - Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (Bộ Xây dựng) xác nhận với PLVN, đơn vị này đã gửi hồ sơ dự thầu dự án đoạn QL 45 – Nghi Sơn (dài 43 km). Đây là dự án có tổng mức đầu tư thấp nhất trong các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông (6.333 tỷ đồng). “Thấy thông báo thì chúng tôi tham dự đấu thầu vậy thôi nhưng cũng không hy vọng lắm!”, ông An nói với PLVN.
Cũng theo tìm hiểu PLVN, một đơn vị lớn như Tập đoàn Cienco 4 – “tên tuổi” một thời của ngành GTVT cũng chỉ dám gửi hồ sơ dự thầu vào dự án này đoạn QL 45 - Nghi Sơn.
Thực tế, trong khi các DN trong nước thiếu điều kiện để trúng thầu thì các DN quốc tế với tiềm lực kinh tế mạnh đến từ châu Âu, Hàn Quốc Nhật Bản… lại có mối băn khoăn riêng. Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư vừa diễn ra, đại diện nhiều DN quốc tế “xoáy” sâu vào vấn đề dự án có được bảo lãnh doanh thu và tỷ giá hay không. Sau đó, họ nhận được câu trả lời từ các đại diện Việt Nam là không.
Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Hà Quân, thông lệ quốc tế ở nhiều nước trên thế giới đều có sự bảo lãnh khi đầu tư dự án PPP. Việc Việt Nam chưa quy định bảo lãnh đối với nhà đầu tư PPP có thể sẽ khiến các nhà đầu tư quốc tế không mặn mà với cao tốc Bắc - Nam phía Đông. “Để lựa chọn đầu tư vào Việt Nam, họ phải cân nhắc khi so sánh tương quan với các nước khác, trong khi các nước kia lại có bảo lãnh”, ông Quân nói.
Như vậy, với việc có khoảng 70 nhà đầu tư quốc tế đến tham dự Hội nghị kêu gọi đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Bộ GTVT chưa thể khẳng định những nhà đầu tư này đã mặn mà với dự án khi không có sự bảo lãnh.
Câu hỏi đặt ra là nếu nhiều DN trong nước không đủ điều kiện trúng thầu, các DN châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản thờ ơ vì không được bảo lãnh thì liệu chăng phần lớn dự án có thể sẽ về tay ai?