Tiếp tục chương trình đợt 2 của Kỳ họp thứ 7, sáng nay - 17/6, Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) (Dự án).
Phát biểu tại phiên họp, đa số đại biểu tán thành đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) nhấn mạnh, theo quy hoạch, Dự án là trục giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư Dự án sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực.
Cũng tán thành đầu tư Dự án, Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) lưu ý, hiện tại, thủ tục đầu tư cũng như việc triển khai thủ tục đầu tư dự án chiếm rất nhiều thời gian, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Do đó, cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư, tránh bị kéo dài thời gian. Đồng thời, cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện, chủ động trong quản lý việc thực hiện quy hoạch, tránh bị trùng lặp.
Về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, theo báo cáo của Chính phủ, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.111ha, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.229 hộ.
Nhấn mạnh vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm với các cấp chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án.
Cùng với đó, cần quan tâm, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương.
Chung mối quan tâm, Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) nêu rõ, Dự án này này có diện tích lớn, gồm nhiều loại, như đất nông nghiệp, đất rừng đất thổ cư… Do đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đền bù tái định cư sẽ chiếm khối lượng thời gian lớn. Vì vậy, Chính phủ cần yêu cầu 2 địa phương có dự án đi qua phải cam kết thật mạnh mẽ trong việc giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ Dự án; đồng thời có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai Dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.