Dự án chống hạn hết vốn: Do lãnh đạo đòi “xí phần”?

(PLO) - Nhiều dấu hiệu cho thấy, do việc chỉ định hàng loạt nhà thầu không đủ năng lực ngay từ đầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án cống Nam Đàn chưa thể đưa vào chống hạn và bị đội vốn đầu tư cả trăm tỷ đồng, khiến hàng triệu người dân Nghệ An hứng chịu cảnh khát.
Nhiều hạng mục thi công cầm chừng để tránh dự án bị “tắt thở”
Nhiều hạng mục thi công cầm chừng để tránh dự án bị “tắt thở”

Thi công cầm chừng tránh “tắt thở”

Trong một báo cáo gửi Cục Quản lý Xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giữa tháng 3/2016 của Ban Quản lý dự  án cống Nam Đàn cho thấy, sau khi giải ngân nốt 54,2 tỷ đồng trong năm 2015 thì dự án trọng điểm của ngành nông nghiệp này rơi vào tình trạng hết sạch vốn, dẫn đến hai gói thầu hết sức quan trọng là gói thầu xây dựng đường thi công và nhà quản lý, cũng như gói thầu xây dựng đường thi công và kênh dẫn hạ lưu gần như bất động trên công trường. 

Thông thường, dự án hết sạch vốn thì việc thi công của các nhà thầu sẽ đình trệ do tỉnh Nghệ An đã có lệnh từ đầu năm ngoái là sau thời điểm Luật Đầu tư công có hiệu lực, các ngành, các cấp không được để phát sinh nợ đọng, nguồn vốn đầu tư công sẽ không bố trí cho phần nợ đọng phát sinh sau thời điểm này. Nhưng quan sát trên công trường, PV vẫn thấy lác đác công nhân cùng vài chiếc xe xúc đất chậm rãi làm việc để duy trì công việc, tránh dự án khỏi “tắt thở”. 

Qua tìm hiểu, tại thời điểm dự án còn “xông xênh” nguồn vốn, có tới gần chục nhà thầu rầm rầm làm việc, nay chỉ còn mỗi một đơn vị đang phải “chịu trận” hai gói thầu với hàng đống công việc ngổn ngang, trong bối cảnh không thi công thì dự án “chết”, mà thi công thì… nhà thầu chết. 

“Nguồn vốn giờ là rất khó khăn. Bộ cũng tính điều chỉnh nhưng phải có tiền thì mới điều chỉnh được tổng mức. Tỉnh nói tôi làm cho xong, nhưng trong tình hình như thế này, tôi mà làm xong thì doanh nghiệp tôi chết mất. 130 tỷ đồng có phải chuyện đùa đâu. Tự bỏ vốn ra mà làm hoàn chỉnh thì sau này thú thực tôi không biết đòi tiền ai” - ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp, một nhà thầu còn sót lại của dự án ngán ngẩm.

Theo ông Hạnh, doanh nghiệp của ông phải đi vay ngân hàng để vừa xử lý các gói thầu đang thi công dang dở của dự án vừa phải nghe ngóng xem nguồn vốn có không, bởi đến nay chủ đầu tư đang nợ doanh nghiệp này khoảng 40 tỷ đồng. 

Chỉ định thầu theo chỉ đạo?   

Trao đổi với PLVN, ông Đặng Văn Quyền, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở NN&PTNT Nghệ An thừa nhận, sở dĩ dự án thi công cầm chừng và vẫn chưa thể đưa vào sử dụng là do hết sạch vốn. “Do quá trình thực hiện có nhiều biến động như trượt giá vật tư, nguyên vật liệu, chế độ tiền lương mới và bản thân dự án cũng có thay đổi, điều chỉnh một số thiết kế bản vẽ thi công, tăng chi phí giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư đã tăng so với dự toán được duyệt”, ông Quyền nói.  

Còn theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An, nguyên nhân chính dự án bị đội vốn là do thời điểm dự án được phê duyệt xong thì Chính phủ có Nghị quyết tạm dừng các dự án có sử dụng nguồn vốn trái phiếu, dự án cống Nam Đàn nằm trong danh sách nên bị hoãn mất hơn hai năm nên chuyện đội vốn là đương nhiên.  

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, nhiều dấu hiệu cho thấy việc chỉ định một số nhà thầu thi công từ lúc đầu có nhiều vấn đề là một trong những nguyên nhân khiến dự án cống Nam Đàn chậm tiến độ và bị đội vốn. Như tại gói thầu xây dựng cầu qua kênh quốc lộ 46, việc chỉ định Công ty cổ phần Xây dựng công trình và Thương mại 747 ứng hàng tỷ đồng nhưng bản thân doanh nghiệp này không đủ năng lực thực hiện khiến gói thầu này rơi vào tình trạng thi công dang dở. Việc nhà thầu vi phạm hợp đồng nghiêm trọng đến mức Bộ NN&PTNT phải bêu tên và “cấm cửa” doanh nghiệp này tham gia các dự án của ngành.   

Thậm chí, theo nguồn tin của PLVN, ngay từ đầu một số gói thầu đã bị chỉ đạo dành cho một số nhà thầu được cho là “thân tín” với lãnh đạo tỉnh phụ trách lĩnh vực này thời điểm đó. Được tham gia nhưng trớ trêu là không có năng lực nên khi dự án hết vốn thì các nhà thầu này thi nhau tháo chạy, để lại một đống công việc ngổn ngang. 

Được biết, số tiền cần để hoàn thành dự án do bị đội vốn là 130 tỷ đồng, hiện chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Nghệ An đã đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép điều chỉnh lại tổng mức đầu tư. Tuy phía Bộ NN&PTNT đã đồng ý về chủ trương nhưng nguồn vốn thì chưa có nguồn để phân bổ. Trong tình trạng như vậy, chắc chắn dự án thủy lợi trọng điểm của ngành nông nghiệp không thể hoàn thành sớm trong một ngày hai và hàng triệu người dân Nghệ An, hàng ngàn héc ta nông nghiệp sẽ tiếp tục phải chịu đựng cơn khát khi mùa khô hạn đang tới. PLVN sẽ tiếp tục thông tin về những vấn đề liên quan.

“Dự án này được phép chỉ định thầu. Nhưng kế hoạch chỉ định ai, trình ra cấp trên họ duyệt hết. Làm dự án hàng trăm tỷ đồng nhưng như làm nhà tình nghĩa, chúng tôi có quyền hành gì đâu. Nhà thầu tới làm, chúng tôi là chủ dự án nói mà  họ có nghe đâu. Danh sách chúng tôi lập nhưng chỉ đạo lập ra danh sách đó không phải là chúng tôi”, một cán bộ Ban quản lý dự án cống Nam Đàn tiết lộ.

Đọc thêm