Dự án Ethanol Bình Phước: Nguy cơ thành đống sắt vụn?

(PLVN) - Dự án Ethanol Bình Phước dừng hoạt động gần 7 năm nay và mặc dù đã nhiều lần lên kế hoạch tái khởi động để sản xuất nhưng cuối cùng vẫn không thể nổ máy do các phương án đưa ra tính toán cho thấy không mang lại hiệu quả kinh tế. Với điều kiện như hiện nay, dự án nghìn tỷ này đang có nguy cơ biến thành đống sắt vụn. 
Một góc Nhà máy Ethanol Bình Phước
Một góc Nhà máy Ethanol Bình Phước

Mỗi năm bù lỗ gần 300 tỷ đồng

Theo tìm hiểu, vào tháng 3/2013, Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) công bố hết tiền hoạt động, các cổ đông ITOCHU và Licogi 16 không đồng ý góp thêm vốn. Từ đó, Nhà máy Ethanol Bình Phước buộc phải tuyên bố dừng hoạt động chờ đến khi thị trường Ethanol có điều kiện tốt hơn.

Một trong những nguyên nhân khiến nhà máy này phải đóng cửa là do lộ trình việc pha trộn nhiên liệu sinh học trong nước áp dụng chậm hơn so với dự kiến nên nhu cầu Ethanol trong nước của cả năm chỉ tương đương khoảng 10 ngày vận hành của nhà máy.

Nguyên nhân nữa là do thiếu vốn lưu động và không vận hành thương mại, kinh phí hoạt động của OBF đều dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PVOIL) thông qua hình thức ứng tiền hàng của hợp đồng mua bán sản phẩm.  

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố cho thấy, việc Nhà máy Ethanol Bình Phước dừng hoạt động từ năm 2013 đến nay khiến cho dự án đã không đạt được các mục tiêu đầu tư như đã đề ra. Việc ngưng vận hành, mỗi năm OBF ước lỗ khoảng 262 tỷ đồng bao gồm 120 tỷ tiền lãi vay, 90 tỷ đồng khấu hao và 52 tỷ đồng chi phí duy trì nhà máy. 

Đáng chú ý, tính đến hết 31/12/2028, Nhà máy ethanol Bình Phước đã thua lỗ 1.280 tỷ đồng. Vốn góp của chủ sở hữu đã mất toàn bộ 659,9 tỷ đồng, trong đó vốn của Nhà nước mất khoảng 207 tỷ đồng (gồm 198 tỷ vốn đầu tư dự án và 9 tỷ tạm ứng tiền hàng không có khả năng thu hồi).

 KTNN cũng khẳng định tính tới cuối năm 2018, Công ty OBF không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay lên đến hơn 1.600 tỷ đồng. Nhà máy đóng cửa cũng  khiến 200 lao động địa phương mất việc làm, đời sống các hộ dân trồng sắn trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  

Không tái hoạt động được

Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, vào năm 2017, PVOIL đã đề nghị Công ty OBF tính toán lập phương án vận hành sản xuất lại. Sau đó, OBF đã thuê liên doanh nhà thầu Licogi 16-VSP thực hiện bảo dưỡng nhà máy để vận hành lại. Cuối năm 2017, OBF đã xây dựng kế hoạch sản xuất cho 3 kịch bản sản lượng E100 không bị lỗ biến phí. 

Tuy nhiên, đến tháng 4/2018, khi cập nhật phương án vận hành lại thì giá thành sản xuất quá cao so với giá nhập khẩu. Vì thế, tháng 9/2018, Hội đồng thành viên OBF đã quyết định duy trì tình trạng nhà máy không hoạt động như trước đó.  

Báo cáo kiểm toán cho biết, khảo sát tại thời điểm kiểm toán (tháng 10/2019), giá sắn lát khô là 5.300 đồng/kg, nếu tính toán theo phương án cập nhật vận hành lại (kịch bản sản xuất 1.200m3/tháng thì giá thành E100 (toàn bộ chi phí) là 30.251 đồng/lít, giá thành E100 (chưa bao gồm khấu hao và lãi vay) là 19.242 đồng/lít.

So mức giá này với giá E100 nhập khẩu là 13.862 đồng/lít thì vẫn quá cao, không mang lại hiệu quả. Với những tồn tại trong công tác quản lý thực hiện đầu tư dự án, KTNN cho rằng việc nhà máy không vận hành được do khó khăn về tài chính và thị trường đã làm tính kinh tế, tính hiệu lực của dự án rất thấp.   

Trong báo cáo gửi BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Thủ tướng Chính phủ, KTNN đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo PVOIL tích cực làm việc với các cổ đông để khởi động lại nhà máy, tích cực tìm kiếm đối tác và xây dựng phương án thoái vốn tại OBF trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đề nghị PVN báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phương án vận hành lại nhà máy trên nguyên tắc không đầu tư thêm vốn nhà nước. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVOIL theo từng thời kỳ để xử lý theo quy định pháp luật, nhất là việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhưng không đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết đầu tư gây lãng phí nguồn vốn của Nhà nước.

Dự án Nhà máy sản xuất Etahnol Bình Phước là công trình đầu tư thuộc nhóm A theo quy định của Chính phủ, với công suất 100 ngàn lít Ethanol/năm, được xây dựng trên diện tích 44ha. Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2010 là 1.492,65 tỷ đồng, được điều chỉnh vào năm 2011 là 1.648,40 tỷ đồng. Tiến độ được duyệt là từ năm 2010-2012 nhưng đến ngày 31/12/2012, dự án mới hoàn thành việc bàn giao sơ bộ có điều kiện.

Đọc thêm