Dự án hồ Ka Pét gây dư luận trái chiều, tỉnh Bình Thuận và đơn vị tư vấn nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận thông tin với báo giới về dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Dự án hồ Ka Pét gây dư luận trái chiều, tỉnh Bình Thuận và đơn vị tư vấn nói gì?

Ông Dương Văn An, Bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận cho biết, thời gian qua có dư luận trái chiều liên quan dự án hồ Pa Két. Lãnh đạo tỉnh tổ chức họp báo để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, nếu có điều bất hợp lý, ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, tỉnh sẵn sàng điều chỉnh, trên tinh thần việc đúng thì quyết tâm làm, sai sẽ chỉnh sửa.

“Người ở vùng khô hạn, luôn khát nước thì ủng hộ. Người quý rừng hơn quý nước thì nói phá rừng... Làm lãnh đạo, chúng tôi không lo được cho dân là có lỗi. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân”, Bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận giãi bày.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An tại buổi họp báo

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An tại buổi họp báo

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dự án hồ Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam có tổng mức đầu tư trên 874 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương gần 520 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến 2025. Dự án khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho 7.762 ha đất nông nghiệp, cấp 2,63 triệu m3 nước thô/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II, cung cấp nước thô sinh hoạt cho 120.000 người, phòng chống lũ, điều tiết nước cho hạ du.

Đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận báo cáo tại buổi họp báo.

Đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận báo cáo tại buổi họp báo.

Ngoài mục tiêu “giải khát” cho huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, dự án được kỳ vọng phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết.

Ông Đỗ Văn Thông, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết, kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng sơ bộ cho thấy, dự án có hơn 619 ha là đất có rừng (gồm rừng tự nhiên 612,48 ha và rừng trồng 7,1ha) và 60,14 ha đất không có rừng. Phân theo mục đích sử dụng có 149,9ha rừng đặc dụng, 0,86ha rừng phòng hộ, 440,4ha rừng sản xuất và 40,72ha nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng.

Dự án đã hoàn thành đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM) vào tháng 9/2020. Do dự án phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) thẩm định, phê duyệt.

Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 5 đã thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023. Ngày 4/7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30/10/2023. Chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn để tổ chức lập lại hồ sơ theo quy định, cụ thể: Hoàn chỉnh nội dung ĐTM theo biểu mẫu mới, lập mô hình đa dạng sinh học, mô hình thủy lực và lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về tác động của việc thực hiện dự án tới đa dạng sinh học, đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT; tham vấn cộng đồng dân cư địa phương...

Trả lời câu hỏi của phóng viên, vì sao phải chọn vị trí hiện tại có nhiều rừng để làm hồ thủy lợi, ông Nguyễn Công Thành - Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung (đơn vị tư vấn cho tỉnh) cho biết, căn cứ đặc điểm địa hình Bình Thuận trên toàn bộ vùng dự án khảo sát thì chỉ có 2 điểm có thể đáp ứng được các điều kiện để triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Đại diện đơn vị tư vấn trả lời báo chí

Đại diện đơn vị tư vấn trả lời báo chí

Phương án vị trí 1: Có lưu vực sinh thủy lớn (136km2) nên nguồn nước dồi dào hơn nhưng khi xây dựng hồ tại vị trí này thì toàn bộ khu canh tác 127ha của đồng bào xã Mỹ Thạnh (đây là khu canh tác sản xuất chính của bà con), cầu Bà Bích và 3,5km đường Quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh sẽ bị ngập trong lòng hồ. Do vậy cần làm đoạn đường tránh đi theo ven lòng hồ phía Đông có chiều dài khoảng 7,5km. Ngoài ra khoảng 620 ha đất rừng cũng bị ngập (trong đó có khoảng 25 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Mặt khác, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì phải xây dựng tuyến đập dài 550m và chiều cao đập tới 32m nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn.

Phương án vị trí 2 (phương án chọn hiện nay): Có lưu vực sinh thủy 95,5km, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì chiều dài tuyến đập chỉ khoảng 179m và chiều cao đập khoảng 28,5m. Ưu điểm vượt trội của phương án này là không gây ngập khu đất canh tác 127ha của đồng bào xã Mỹ Thạnh, không ảnh hưởng đến cầu Bà Bích và đường Quốc lộ - Mỹ Thạnh. Do tuyến đập chính ngắn hơn, chiều cao thấp hơn, không phải đền bù đất nông nghiệp và không phải làm đoạn đường tránh nên chi phí thấp hơn nhiều so với phương án 1. Phương án này chỉ có nhược điểm lớn nhất là gây ngập 618,73 ha đất rừng.

Cũng theo ông Thành, qua phân tích, so sánh hai phương án tuyến về cả kinh tế và kỹ thuật, phương án vị trí 2 là phương án có ưu điểm nổi trội. Vì vậy nên chọn phương án vị trí 2 làm vị trí xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với các quy hoạch hiện nay, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương đồng thời đây cũng là phương án tối ưu về cả kinh tế lẫn kỹ thuật.

Trước câu hỏi vì sao không nâng cấp, cải tạo từng hồ nhỏ mà phải làm hồ Ka Pét tới 51 triệu m3 để có nguy cơ mất diện tích lớn rừng tự nhiên, ông Thành lý giải, thứ nhất, lưu vực tạo nguồn nước cho hồ không có, vùng thu nước lớn không đảm bảo để xây dựng, cải tạo hồ. Thứ hai, cải tạo hồ thì ngoài nguồn nước còn phải đảm bảo an toàn hồ chứa, nâng cấp đập, tràn xả lũ và an toàn công trình khác. Việc kết nối các hồ nhỏ với nhau phải phụ thuộc điều kiện địa hình, chỉ kết nối các hồ ở vùng cao xuống vùng thấp. Hồ Ka Pét được chọn vì ở trên cao, khi xây dựng xong sẽ kết nối với các hồ, công trình phía dưới mới phát huy được hiệu quả.

Đọc thêm