Nhiệm kỳ Đại sứ 3 năm là quá ngắn?
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Luật CQĐD năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các CQĐD thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp nhận, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau 7 năm thi hành Luật đã phát sinh yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với một số điều khoản của Luật. Trong thời gian qua, các chế độ dành cho thành viên CQĐD và thành viên gia đình tuy đã được cải thiện so với trước nhưng chủ yếu chỉ bảo đảm sinh hoạt tối thiểu. Ngoài ra, một số quy định của Luật CQĐD không còn tương thích với pháp luật hiện hành, không phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó hiện nay đã phát sinh yêu cầu quy định trong Luật về việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng của CQĐD. “Từ những lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD là cần thiết”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều ĐB cho rằng quy định nhiệm kỳ 3 năm của các Đại sứ (ĐS) là quá ngắn. Theo ĐB Phạm Quang Thanh (Hà Nội), với những mối quan hệ như xúc tiến thương mại, du lịch, văn hóa… phải có một quá trình với nhau thì mới đem lại sự tin tưởng, mới tạo được chiều sâu về quan hệ để có thể kết nối, xúc tiến được. Nhưng trong nhiệm kỳ 3 năm, ĐS phải mất 1, 2 năm mới làm quen với công việc, còn năm thứ 3 thì mấy tháng cuối là để chờ người sang bàn giao rồi về. “Như vậy cứ hết 3 năm lại về và người khác sang, không tạo ra tính liên tục đối với cả địa phương cũng như đối tác trong nước cần ra nước ngoài để xúc tiến hợp tác, đầu tư”, ĐB phân tích.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Hồng Hà (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị nên xem xét nhiệm kỳ ĐS tại những vùng lãnh thổ, những nước có nhiệm vụ chiến lược ngoại giao theo hướng kéo dài nhiệm kỳ từ 3 năm lên 4 năm cùng với đó là những tiêu chuẩn về chức danh, năng lực, kinh nghiệm sao cho phù hợp để các ĐS có thể hoàn thành nhiệm vụ trong một nhiệm kỳ. Trong khi đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề xuất quy định mỗi ĐS đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ, trừ trường hợp cụ thể.
Cần bổ sung thêm những tiêu chí mới
Nhấn mạnh về khía cạnh thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của các địa phương, ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, ở các nước, các ĐS vừa là đại diện ngoại giao vừa là CEO tài ba có thể tư vấn cho các địa phương trong vấn đề quan hệ kinh tế. Trong khi đó, các đoàn địa phương của Việt Nam hiện nay ra nước ngoài đặt vấn đề hợp tác để phát triển khá nhiều nhưng các CQĐD mới chỉ gần như là “quan tâm thì giúp nhau chứ chưa phải là trách nhiệm” trong cung cấp thông tin, hỗ trợ.
Do đó, ĐB Thanh đề xuất phải có cơ chế qua lại thông tin giữa CQĐD với địa phương để các địa phương gửi báo cáo tới ĐS ở nước muốn hợp tác và ĐS cũng phải tìm hiểu để có thể tác động trở lại nhằm phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế của đất nước nói chung, của các địa phương nói riêng. ĐB Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, bổ sung thêm quy định về chức năng, nhiệm vụ của CQĐD trong tình hình mới như hỗ trợ phát triển kinh tế, quản lý học sinh, sinh viên, người lao động cho phù hợp, nhất là quy định về phối hợp giữa CQĐD với các đoàn địa phương ra nước ngoài thu hút đầu tư.
Còn ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) băn khoăn về sự cần thiết phải đưa quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ CQĐD vào luật vì phần lớn các cán bộ này đều là những viên chức, cán bộ, tức đã có tiêu chuẩn của ngạch. Do vậy, chỉ cần quy định những điểm riêng biệt còn những tiêu chuẩn chung đã nêu trong Luật Cán bộ công chức đã quy định. “Đưa vào vừa thừa vừa thiếu, ĐB nói.