Đề phòng cài cắm lợi ích nhóm
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nhấn mạnh lại 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo kết luận của Đảng đoàn QH và Ủy ban Thường vụ QH.
Một là, cần bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; nghị quyết, kết luận của Đảng; nghị quyết của QH. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ. Những vấn đề Trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án Luật.
Hai là, kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng; luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Tuy nhiên, phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng cài cắm lợi ích nhóm. Cần chỉ rõ vướng mắc, “lỗ hổng” để giải quyết, tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác.
Ba là, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cân nhắc kỹ, không đưa vào Luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể. Bốn là, quá trình sửa đổi Luật cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, khách quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; tiếp thu, giải trình đầy đủ, cầu thị; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.
Gợi mở thêm một số vấn đề để các nhà khoa học, các diễn giả, đại biểu tham gia tọa đàm tập trung thảo luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhắc tới nhóm nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, trong 3 cấp chính quyền địa phương thì cấp xã là cấp sát với dân nhất, nhưng cả HĐND và UBND cấp xã đều chưa được đề cập trong dự thảo Luật; vai trò của từng cấp chính quyền địa phương cũng chưa đủ rõ.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước…
Cần chế tài đủ mạnh để phòng, chống tiêu cực
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cho ý kiến vào các nhóm vấn đề như đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang và các điểm khác trong dự thảo Luật.
Đề cập đến cơ chế xác định giá quyền sử dụng đất theo nguyên tắc thị trường, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Nhà nước ta được Hiến pháp giao quyền đại diện pháp lý của chủ sở hữu toàn dân và được toàn dân ủy quyền quản lý đất đai theo Luật Đất đai. Theo đó, trách nhiệm của Nhà nước là tìm cách sử dụng quỹ đất của quốc gia có hiệu quả cao nhất, đồng thời chia lợi ích từ việc sử dụng đất đó cho công dân và các nhà đầu tư vừa theo nguyên tắc thị trường (mua bán thỏa thuận dân chủ), vừa theo nguyên tắc công bằng giữa các công dân, giữa người đang có quyền sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi và nhà đầu tư nhận đất, giữa người sử dụng đất và cơ quan nhà nước...
“Các giao dịch giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất cần dựa trên giá cụ thể được cơ quan tư vấn độc lập xác định bằng các phương pháp khoa học đi đôi với thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch và đối xử công bằng về lợi ích với các bên liên quan”, PGS. TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề này, một số ý kiến cũng đề nghị phải có cơ chế và chế tài đủ mạnh trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực hiệu quả để cán bộ quản lý đất đai không thể câu kết với các tổ chức tư vấn độc lập để định giá quyền sử dụng đất có lợi cho bên nhận.
Về vấn đề phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong dự thảo Luật Đất đai, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì những vấn đề gì phải quản lý theo ngành và vấn đề gì phải quản lý theo lãnh thổ, tức là việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; những vấn đề gì cả hai cùng làm. “Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai.”, GS.TS Trần Ngọc Đường phân tích.