Chia sẻ về Dự án Luật QLT (sửa đổi), ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, Dự án trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này có phạm vi sửa đổi rộng, bổ sung nhiều nội dung mới (dự kiến sửa đổi 108/120 điều và bổ sung 32 điều mới). Tại phiên thảo luận ở Tổ ngày 12/11, đã có 165 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và tại Hội trường ngày 15/11, có 21 đại biểu Quốc hội phát biểu về dự án Luật QLT (sửa đổi), trong đó có nhiều ý kiến liên quan đến các quy định về, xóa nợ, khoanh nợ thuế, thẩm quyền xóa nợ thuế.
Ông Huy cho biết, Nghị quyết 55 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã giao Chính phủ báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý. Đến nay, Ban soạn thảo đã dự thảo Nghị quyết xử lý các khoản nợ không có khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). Chính phủ đã giao Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý các khoản nợ không có khả năng nộp NSNN vào kỳ họp tháng 5/2019.
Liên quan đến khoanh nợ thuế, Dự thảo Luật QLT (sửa đổi) đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (NNT) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; NNT bỏ địa chỉ kinh doanh, DN chờ giải thể, DN mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu tiếp tục tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp này thì sẽ phát sinh thêm số nợ ảo là tiền chậm nộp mà thực tế không có khả năng thu hồi. Đồng thời, cơ quan QLT vẫn tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với các cơ quan liên quan để thu hồi tiền thuế nợ, tính tiền chậm nộp đầy đủ để thu vào NSNN khi NNT có khả năng nộp thuế.
Ông Huy cho biết, vấn đề có ý kiến nhiều nhất là thẩm quyền xóa nợ. Luật QLT hiện hành chỉ quy định các trường hợp được xóa nợ thuế là NNT đã chết, mất tích; DN phá sản hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN và các khoản nợ này đã quá 10 năm. Đồng thời, quy định thẩm quyền xoá nợ đối với trường hợp NNT đã chết, mất tích, DN đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Trường hợp DN nợ thuế quá 10 năm và đã bị thu hồi giấy phép thì thẩm quyền xóa nợ là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Do đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này chỉ tập trung phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Cục trưởng Cục Thuế địa phương để giảm bớt các trường hợp sự vụ lên Thủ tướng Chính phủ.
“Tuy nhiên, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị giao chính quyền địa phương xóa nợ thuế để đảm bảo khách quan và phân cấp tối đa cho chính quyền địa phương. Ban soạn thảo xin ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội về việc phân cấp xử lý xoá nợ đối với DN…”, đại diện Ban soạn thảo cho hay.