Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch: Cắt giảm thủ tục, phân cấp, phân quyền tối đa

(PLVN) - Sáng 9/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú chủ trì Hội đồng thẩm định dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Cảnh thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Cảnh thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Báo cáo tại Hội đồng, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Tài chính Nguyễn Đức Cảnh cho biết, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cấp tỉnh, liên huyện, cấp huyện, cấp xã đã được phê duyệt hoặc đang được lập, thẩm định.

Ngoài ra, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch trong thực tiễn đã có một số vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và bảo đảm công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Tài chính Nguyễn Đức Cảnh.

Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Tài chính Nguyễn Đức Cảnh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch gồm 3 điều, với các điểm đổi mới: hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trong đó, bổ sung thêm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch về việc cho phép quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có thể lập đồng thời. Bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch để xác định rõ vị trí, vai trò của quy hoạch này.

Đơn giản hóa quy định về nội dung chủ yếu của quy hoạch. Bãi bỏ các nội dung trong quy hoạch không phù hợp do việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện. Đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính.

Tăng cường phân cấp thẩm quyền đối với hoạt động quy hoạch. Cụ thể, phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ đối với phân vùng lập quy hoạch; phân quyền tổ chức lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia từ Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ; đề cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp, các ngành, qua đó giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quy hoạch…

Góp ý tại Hội đồng, ông Đặng Quang Văn, đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch để kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật là cần thiết; đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng từ danh mục sử dụng tài nguyên sang danh mục kết cấu hạ tầng…

Ông Đặng Quang Văn, đại diện Bộ Quốc phòng.

Ông Đặng Quang Văn, đại diện Bộ Quốc phòng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tình với ý kiến của các Bộ, ngành khác về sự cần thiết phải xây dựng Luật trong thực trạng hiện nay. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại phụ lục hồ sơ có đề nghị bãi bỏ 3 quy hoạch để thành lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, điều này gây bất cập. Do đó, ông Tuấn Anh đề nghị, ngoài các quy hoạch vừa được ban hành, có thời hạn đến 2030, nên chăng cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể. Bởi nếu bãi bỏ, quy định tích hợp như dự thảo thì cơ quan này rất khó thực hiện chức năng quản lý ngành giáo dục đào tạo.

“Chúng tôi đề nghị giữ nguyên 3 quy hoạch trong Luật sửa đổi và việc chỉnh sửa, tích hợp, đề nghị có nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở khoa học, thực tiễn. Trong trường hợp có nhiều quy hoạch lập mới, tích hợp hay kế thừa thì cần có những quy định cụ thể trong Luật để triển khai”, ông Tuấn Anh nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà lại ngôn ngữ, kỹ thuật; làm việc với các Bộ, ngành trong danh mục phụ lục, các Bộ, ngành liên quan có thể phát sinh vướng mắc ở các dự án phát triển xã hội để xử lý vấn đề còn phát sinh, tạo sự đồng thuận.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ lại phạm vi sửa đổi, bổ sung, tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: xử lý vướng mắc phát sinh từ chính quyền địa phương hai cấp; cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa, phân cấp, phân quyền tối đa, triệt để, để đảm bảo địa phương biết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; xử lý các vấn đề vướng mắc cấp bách trong thực tiễn, phạm vi; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các Luật khác…/.

Đọc thêm