Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật để đảm bảo đồng bộ

(PLVN) - Chiều 23/6, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ biên tập.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã công bố Quyết định thay đổi Tổ trưởng Tổ Biên tập từ Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc sang Thứ trưởng Trần Tiến Dũng.

Theo đó, thành viên Tổ Biên tập gồm Thứ trưởng Trần Tiến Dũng - Tổ trưởng; Phó Tổ trưởng là Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cùng hơn 40 thành viên là đại diện các Bộ, Ban, ngành.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến khái quát kết quả triển khai một số hoạt động của Tổ biên tập.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến khái quát kết quả triển khai một số hoạt động của Tổ biên tập.

Thay mặt Nhóm thường trực Tổ Biên tập, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến đã báo cáo về quá trình triển khai thực hiện và một số nội dung lớn của dự thảo Luật. Cụ thể, ngày 12/5/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau cuộc họp này, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành và một số tỉnh trong Vùng Thủ đô tham gia khảo sát, làm việc với UBND thành phố Thủ Đức, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; tổ chức 3 cuộc họp Tổ biên tập nghiên cứu, góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức 15 cuộc họp, 3 Hội thảo để góp ý trực tiếp vào từng nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, xây dựng hồ sơ dự án Luật, xin ý kiến Bộ trưởng đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi theo quy định.

Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến cũng trình bày khái quát về bố cục của dự thảo Luật (gồm 6 chương với 54 điều) và một số nội dung lớn của dự thảo: Về những quy định chung; Về Tổ chức chính quyền tại Thủ đô; Về xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; Về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; Về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô; Điều khoản thi hành.

Toàn cảnh cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, thành viên Tổ biên tập đã cho ý kiến cụ thể về các vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình. Đánh giá cao các góp ý của thành viên, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định Tổ biên tập sẽ nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến để sửa đổi những nội dung còn chưa phù hợp. Trong đó, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục bám sát quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị; đảm bảo các chính sách đặc thù, vượt trội của Thủ đô phải phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp đồng thời phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ biên tập phát biểu kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ biên tập phát biểu kết luận cuộc họp.

Đặc biệt, cần cụ thể hóa tối đa các quy định pháp luật để nâng cao tính khả thi, khi ban hành có thể áp dụng được ngay; chọn lọc các chính sách đặc thù cần thiết, phân theo lĩnh vực chuyên môn. Thời gian tới, để sớm có dự thảo Luật hoàn chỉnh, Thứ trưởng đề nghị thành viên Tổ biên tập tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để thống nhất cách làm và nội dung.

Đọc thêm