Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi): Khơi thông, phát huy nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

(PLVN) - Sáng 28/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi). Tham dự phiên họp có đại diện đến từ các Bộ, ngành và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Toàn cảnh cuộc họp thẩm định
Toàn cảnh cuộc họp thẩm định

Báo cáo tại phiên họp, Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo khẳng định việc xây dựng dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) là vô cùng cần thiết, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đảm bảo ổn định.

Mục tiêu dự thảo Luật hướng đến nhằm mở rộng cơ sở thu thuế; nghiên cứu sửa đổi một số quy định để chống gian lận và chống thất thu thuế GTGT, đảm bảo thu đúng thu đủ vào Ngân sách Nhà nước; sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.

Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 08 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hiệu lực thi hành (Điều 15), tổ chức thực hiện (Điều 16). Áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT; Cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Đề nghị xây dựng Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đề cập tới các chính sách bao gồm: hoàn thiện quy định về người nộp thuế GTGT; hoàn thiện quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; hoàn thiện quy định về giá tính thuế GTGT; hoàn thiện quy định về khấu trừ thuế GTGT; hoàn thiện quy định về hoàn thuế GTGT.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 1660/BTC-CST gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi), và đăng lên các Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên họp, đại diện các Bộ cơ bản đều nhất trí với sự cần thiết, mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật này cũng như nội dung các chính sách tại đề nghị xây dựng dự án Luật.

Góp ý cụ thể, đại diện Bộ Công Thương đề xuất bổ sung loại hàng phân bón vào nhóm đối tượng chịu thuế suất 5%; đại diện Bộ GD&ĐT đề xuất cho sách giáo khoa sang nhóm đối tượng chịu thuế suất 5%; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất đối với các dịch vụ viễn thông công chính và internet nên giữ nguyên vào nhóm đối tượng chịu mức thuế 0% như hiện nay nhằm đảm bảo chất lượng công ích.

Còn bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề nghị đối với các sản phẩm là thành phẩm của nhóm tài nguyên, khoáng sản như than đá, giấy, vải,... cần làm rõ danh mục hàng hóa và có báo cáo cụ thể trong tờ trình đối với từng loại sản phẩm.

Về phía các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, bên cạnh những ý kiến nhất trí, tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này, đại diện các đơn vị yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động chặt chẽ, chi tiết hơn, đặc biệt là các đối tượng từ không chịu thuế sang chịu thuế.

Phát biểu kết luận, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp đánh giá hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đủ điều kiện trình Chính phủ, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện thêm hồ sơ, thủ tục để trình theo đúng thời hạn.

Ông Hải cũng góp ý cụ thể về một số nội dung như đối với sản phẩm chế biến thành từ sản phẩm khác như than đá, giấy, vải… chuyển đổi sang sản phẩm không chịu thuế thì cần cách phân biệt tránh nhầm lẫn, xác định giá trị tài nguyên khoáng sản của sản phẩm đó là bao nhiêu phần trăm. Về giá tính thuế GTGT, cần xác định sản phẩm có mục đích là tiêu dùng nội bộ thì không chịu thuế nhưng xuất khẩu, cho thì phải chịu thuế 5%; tiếp tục giữ mức thuế 0% đối với sách giáo khoa; tổng kết, đánh giá về 25 nhóm không chịu thuế…

Đọc thêm