Dự án năng lượng tái tạo 'trượt' fit: Kịp thời gỡ vướng cơ chế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Công Thương vừa có Quyết định 21/QĐ-BCT về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp - dành cho các dự án năng lượng tái tạo không kịp về đích phát điện để hưởng cơ chế giá ưu đãi.
Có khoảng 4.000MW điện từ điện gió, điện mặt trời gặp khó vì vướng mắc cơ chế thời gian qua.
Có khoảng 4.000MW điện từ điện gió, điện mặt trời gặp khó vì vướng mắc cơ chế thời gian qua.

Đã có giá mua cho nguồn điện “trượt” FIT

Ngày 7/1/2023, một ngày sau hôm Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI tổ chức Diễn đàn Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), Bộ Công Thương đã có Quyết định 21/QĐ-BCT về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp - dành cho các dự án NLTT “trượt” FIT (tức là các dự án không kịp về đích phát điện để hưởng cơ chế giá ưu đãi khuyến khích phát triển NLTT). Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Theo Quyết định này, giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh. Khung giá này sẽ là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị phát điện mặt trời, điện gió thoả thuận giá phát điện theo quy định.

Trước đó, với chính sách khuyến khích phát triển nguồn NLTT, giá thấp nhất của điện mặt trời tương đương 1.783 đồng/kWh và giá cao nhất với giá điện gió là 2.223 đồng/kWh.

Mừng vì cuối cùng cũng có khung giá được ban hành, song nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng với mức giá mới này sẽ khó có thể khuyến khích DN đầu tư mới vào nguồn điện NLTT. Chưa kể, đơn giá được tính bằng VND sẽ càng khiến các DN chịu thiệt thòi, bởi trước đấy, tất cả giá mua các nguồn điện đều được quy định bằng giá USD và chủ đầu tư được tính khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá hàng năm.

Trước đó, tại Diễn đàn phát triển NLTT, nhiều DN đầu tư dự án điện gió và điện mặt trời đã không giấu được sự mệt mỏi khi lỡ cơ chế ưu đãi (giá FIT). Thậm chí có DN không những không thu được vốn đầu tư mà vẫn phải bỏ thêm tiền để duy trì hoạt động. Là chủ đầu tư 4 Nhà máy điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị, ông Trần Minh Tiến cho biết, hiện các dự án của DN có tổng công suất là 160kW/h. DN hoàn thành xong các dự án chỉ sau hạn cuối của quy hoạch một vài ngày nhưng cho đến nay, các dự án đều phải “đắp chiếu”. “Với số vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD và trong hơn 1 năm qua không có doanh thu, khiến DN gặp không ít khó khăn và đứng trên bờ vực phá sản” - ông Tiến nói.

Theo DN trên, chính sách phát triển NLTT của Chính phủ là phù hợp và rất tốt, tuy nhiên, tuổi thọ của chính sách không dài, khiến DN gặp khó trong việc thực hiện dự án. “Thực tế, việc các dự án chậm tiến độ, không phải do DN không thực hiện các cam kết đầu tư mà xuất phát từ dịch bệnh COVID-19, DN không hề mong muốn…” - DN cho biết và bày tỏ mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về chính sách cho DN.

TS. Hoàng Giang – Chủ tịch Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre cho biết, điện gió có đến 62 dự án tổng công suất 3.479MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, do không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 nên gần một năm qua vẫn đang chờ giá bán điện mới. Riêng 62 dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD. Ngoài ra, các dự án điện mặt trời còn có 452,62MW công suất lắp đặt hoàn thành sau thời hạn 31/12/2020 cũng đang chờ xác định giá bán điện mới. Với điện mặt trời mái nhà, gần 2 năm qua trôi qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

“Đáng nói, các dự án này gần như đã xong xuôi chỉ chờ tham gia hoạt động, góp phần vào sự phát triển cho đất nước nhưng vẫn đang “đắp chiếu nằm chờ”, trong khi những chi phí khác chúng tôi vẫn phải trả”- TS Giang nói.

Khơi thông “điểm nghẽn”

“Rõ ràng chúng ta vẫn còn có những khoảng trống về chính sách, khiến hàng loạt các dự án đã và đang thực hiện, trong đó có những dự án đã đi vào hoạt động đến 15 tháng qua nhưng vẫn chưa có giá, chưa có hợp đồng đàm phán mua bán điện. Trong lúc này, các DN đang vô cùng khó khăn, vì vậy, rất mong các cơ quan quản lý cân nhắc, có chính sách hỗ trợ…” - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận, ông Bùi Văn Thịnh phát biểu.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận, Việt Nam vẫn luôn mời gọi đầu tư vào ngành NLTT trong suốt thời gian qua, kết quả, không ít “đại bàng” đã đến để làm tổ, tuy nhiên, ở lại được hay không còn phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường đầu tư hiện tại.

Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam dẫn báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng NLTT đạt 27% nhưng vẫn còn một số dự án NLTT chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào các dự án NLTT nhưng chưa khai thác vẫn đang phải chịu lãi suất ngân hàng hoặc chưa thể thu hồi vốn.

“Ngày 20/12/2022, Bộ Công Thương có báo cáo trình Chính phủ, trong đó có đưa ra giải pháp: cho phép thí điểm cho 1.000MW được bán điện trực tiếp. Đây là giải pháp tốt, theo thông lệ của thế giới nhưng giải pháp này hiện mới dừng ở đề xuất. Chưa kể, hệ thống lưới điện của chúng ta hiện nay đang quá tải ở một số khu vực nên có dự án NLTT không thể đấu nối được vào đường truyền. Mấu chốt để phát triển NLTT là trạm điện và đường truyền tải…” - ông Bắc nêu ý kiến và cho rằng cần có giải pháp để khơi thông “điểm nghẽn” này, trong đó nên xem xét xã hội hoá đường truyền, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân xây dựng và phát triển đường truyền tải điện.

Ông Bắc cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII, xem xét việc xác định giá điện cơ sở để đảm bảo khả thi và phù hợp với thực tế… nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án NLTT để hướng đến mục tiêu năm 2050 có năng lượng xanh, sạch để sử dụng.

Đọc thêm