Sinh kế người dân bị ảnh hưởng
Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian gần đây, tình hình khai thác nguồn nước ở các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông ngày càng tăng, đặc biệt là phát triển thủy điện dòng chính đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển, nhu cầu sử dụng nguồn lợi thượng nguồn dòng chính sông Mê Kông là tất yếu; vấn đề cốt yếu là giải quyết tốt mối quan hệ giữa biến đổi và tác động.
Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt đến việc chia sẻ lợi ích trong việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mê Kông, việc tham vấn về dự án thủy điện Pắc – Beng sẽ giúp nước bạn có thêm những luận cứ về khoa học để có những đánh giá tác động tốt hơn về lâu dài, bảo đảm lợi ích hài hòa các quốc gia.
Nói về những tác động của dự án thủy điện Pắc - Beng trong lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Văn Trọng, đại diện Viện Nghiên cứu Môi trường Thủy sản cho hay, theo đánh giá sơ bộ của nhóm công tác quốc gia, công trình thủy điện Pắc - Beng gây nguy cơ suy giảm chất lượng nước, làm giảm hàm lượng và tải lượng phù sa bùn cát về phía hạ lưu dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, quan ngại đến sinh kế của gần 20 triệu người dân khu vực này.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng quan ngại với thiết kế hiện nay của công trình thủy điện Pắc - Beng, lưu lượng dòng chảy hạ lưu công trình trong tháng kiệm nhất có thể chỉ đạt khoảng 400m3/s, giảm gần 20% so với điều kiện nền, làm cho hiện tượng xâm nhập mặn trên hai sông chính ở nước ta gia tăng lên, lượng bùn về sẽ giảm và giảm đáng kể nguồn chất dinh dưỡng trong nước… Đồng thời, tác động xuyên biên giới của công trình thủy điện Pắc - Beng tới kinh tế - xã hội tới Việt Nam cũng gia tăng dần theo thời gian. Tác động tích lũy của Dự án Pắc - Beng sẽ làm gia tăng sạt lở, xâm nhập mặn, tăng thêm mức độ ảnh hưởng cho khoảng 16 – 20% dân số ĐBSCL.
Cần thông tin đầy đủ về thủy điện Pắc - Beng
Trước những quan ngại về tác động của các hoạt động phát triển thủy điện trên thượng nguồn nói chung và Công trình thủy điện Pắc - Beng nói riêng đối với ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) lo ngại, việc đánh giá tác động môi trường của đập thủy điện này không chính xác và đề nghị hoãn xây dựng để có thể đánh tác động giá đầy đủ, giảm thiểu tác động; hướng tới mục tiêu sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước cũng như các tài nguyên liên quan lưu vực sông Mê Kông.
Trong bối cảnh đó, là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam quan ngại sâu sắc về tác động của các công trình này đến môi trường, kinh tế - xã hội, sinh kế của người dân từ việc triển khai các công trình thủy điện ở các nước thượng nguồn. GS. Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị Ủy ban Sông Mê Kông quốc tế cần hoãn việc xây đập để bổ sung số liệu báo cáo, đánh giá tác động đầy đủ hơn. Trong đó phải xây dựng được cơ chế nguồn nước, dự án khai thác nguồn nước cần được đánh giá tác động của môi trường trên toàn lưu vực.
GS Trân quan ngại, dự án này sẽ tác động xấu tới ĐBSCL. Cần công bố thông tin quản lý nguồn nước tác động theo không gian và thời gian, các rủi ro, cơ chế vận hành, an toàn của đập khi có động đất... Ông Trân đề xuất cần có báo cáo lượng nước mặt và trầm tích giữ tác động của đập theo lũy kế trong khoảng thời gian dài, ít nhất cũng là từ 5 đến 10 năm.
TS. Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam đề xuất, cần bổ sung nghiên cứu tác động xuyên biên giới của đập thủy điện trong bố cảnh biến đổi khí hậu. Đặc biệt là việc ảnh hưởng đến sinh kế cho 20 triệu người dân trong khu vực ĐBSCL phụ thuộc vào sông Mê Kông.
Nói về thực trạng tự nhiên khu vực ĐBSCL, ThS. Nguyễn Hữu Thiện - Trưởng nhóm tư vấn Quốc gia về Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông cho hay, việc sạt lở khắp nơi ở đồng bằng phần lớn nguyên nhân là thiếu hụt về bùn và cát, là hậu quả tác động chính của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.