Tính toán để không “đội vốn”
Với số vốn lớn như dự toán của Chính phủ, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị phải xem xét có lộ trình, qui mô thích hợp, đảm bảo phân kỳ vốn thiết thực nhất từng giai đoạn. Đặc biệt, ĐBQH nhấn mạnh đến yêu cầu tạo nguồn vốn thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài vì “hàng không là một ngành cổ phần hóa, nên Nhà nước chỉ đầu tư hạ tầng” chứ “dùng vốn ODA lớn cho dự án cũng là rủi ro” – ĐB Phạm Hồng Hà (Nam Định) cảnh báo. Đồng thời, để tránh tạo sức ép lên gánh nặng nợ công đang rất cao, ĐBQH đề nghị Chính phủ “tính để giảm lượng vốn nhà nước phải cung ứng thì mới yên tâm quyết đầu tư”.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) vẫn đặt vấn đề có nên đầu tư cho một dự án quá lớn như sân bay Long Thành chỉ để giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, thiếu báo cáo tiền khả thi cho cả 3 giai đoạn của dự án khiến nhiều ĐB chưa an tâm vì vốn nhà nước và ODA cho dự án sẽ đều là nợ công và Chính phủ chưa khẳng định có tăng tổng mức đầu tư dự án trong quá trình triển khai hay không.
Nên cùng với mối lo về nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của Nhà nước, một số ĐB yêu cầu Chính phủ “tính toán các khoản chi, cân đối với nguồn thu đầy đủ để không bị “đội vốn” như nhiều dự án hiện nay”. Để tránh tình trạng “đội vốn” của “siêu” dự án này nếu được triển khai, ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) quan tâm đến giải pháp kêu gọi đầu tư xã hội và “chọn được nhà thầu có năng lực thi công hiệu quả”.
Không thể “bấm nút” khi còn mơ hồ
Ngay khi dự án sân bay Long Thành được trình Quốc hội, mối lo lớn nhất của nhiều ĐB là nguồn vốn dự toán quá lớn, 18,7 tỷ USD sẽ đẩy nợ công lên “kịch trần”, gia tăng thêm áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước, trong khi vẫn còn điều kiện để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Ở nhiều nước, sân bay không lớn như Tân Sơn Nhất nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu là sân bay quốc tế nên không phải cứ sân bay lớn mới là đạt chuẩn. Theo một số ĐB, đó là do năng lực quản trị, điều hành hoạt động hàng không.
Tuy nhiên, do sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong trung tâm TP.HCM, không đảm bảo an toàn nên ĐB cũng tán thành việc xây dựng sân bay Long Thành là phù hợp cho tương lai. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Không thể nào không có sân bay mới trong điều kiện không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhưng vấn đề là vốn ở đâu ra, hiệu quả đầu tư thế nào?”.
Dù không phủ nhận chủ trương đầu tư nhưng đa số ĐBQH vẫn băn khoăn về những hạn chế, khó khăn của việc triển khai dự án trong bối cảnh tình hình tài chính hiện nay, nên “trước mắt chỉ quyết chủ trương, còn thời gian và qui mô cụ thể của dự án nên được cân nhắc trong giai đoạn tiếp theo” – ĐB kiến nghị.
Với một dự án lớn cả về ý nghĩa, vai trò và nguồn vốn đầu tư như dự án sân bay Long Thành, đa số ĐBQH vẫn có tâm lý chưa hoàn toàn yên tâm trước những nội dung trình ra Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ phải căn cứ nhu cầu phát triển trong tương lai, thực lực đầu tư và khả năng tìm kiếm nguồn đầu tư để báo cáo, giải trình thêm để có bức tranh tổng thể về dự án, chứ không thể từng giai đoạn như vậy. “Trước khi Quốc hội bấm nút thì phải chắc chắn, không thể thông qua một chủ trương khi chưa biết lúc nào làm, nguồn vốn ra sao” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhiều ĐB cùng bày tỏ: “Không thể bấm nút khi còn mơ hồ về một dự án lớn như vậy”. ĐB Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) nhất trí về chủ trương đầu tư nhưng cho rằng: “Nếu Chính phủ không có lập luận rõ ràng, cụ thể hơn để thuyết phục Quốc hội, cử tri mà cứ để như thế này thì bấm nút là lăn tăn”.