Cân nhắc “bài toán” 18,7 tỷ USD và nợ công

(PLO) - Nếu chưa cấp thiết thì cần cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, tránh thêm áp lực lên tình hình nợ công là quan điểm chung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế vừa được trình Quốc hội sáng qua (29/10). 
Phối cảnh sân bay Long Thành
Phối cảnh sân bay Long Thành
Cần thiết nhưng đã cấp thiết?
Hầu hết ý kiến tán thành chủ trương cần có một Cảng hàng không quốc tế (HKQT) hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nhưng mối lo lớn nhất đối với dự án này là áp lực lên tình hình nợ công. 
Theo Tờ trình của Chính phủ, khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng), trong đó giải phóng mặt bằng (5.000ha) và tái định cư (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 15.300 tỷ đồng và tái định cư 5.470 tỷ đồng; đã bao gồm dự phòng), tương ứng 989,04 triệu USD. 
Phân kỳ giai đoạn 1a có tổng mức đầu tư khoảng 5,662 tỷ USD (tương đương 118.910 tỷ đồng), trong đó giải phóng mặt bằng và tái định cư cho 2.565,4ha (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 4.182 tỷ đồng; tái định cư 2.500 tỷ đồng; đã bao gồm dự phòng phí), tương đương 318,2 triệu USD.
Chính phủ dự kiến, vốn đầu tư cho dự án sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư. Cơ cấu nguồn vốn dự kiến: vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng; vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư  - PPP) là 79.965 tỷ đồng. 
Nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn, khoảng 18,7 tỷ USD. Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Mặt khác, để không ảnh hưởng đến nợ công, có ý kiến đề nghị Chính phủ cho phép TCty Cảng hàng không Việt Nam vay thương mại trực tiếp để thực hiện Dự án. 
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn nữa tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng Cảng HKQT trung chuyển Long Thành; cũng như đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công, sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của ngành hàng không Việt Nam...
Nên bỏ sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Thuyết minh cho sự cần thiết đầu tư sân bay Long Thành, Chính phủ cho biết vì việc mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là không khả thi do ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, không gian sử dụng bị hạn chế và phải bỏ ra một khoản chi phí ước khoảng 9,1 tỷ USD cho việc xây dựng thêm một đường hạ cất cánh, một nhà ga hành khách công suất 20 triệu hành khách, giải phóng 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu); chưa kể chi phí và số lượng dân cư phải giải toả để làm thêm các tuyến đường giao thông tiếp cận, cơ sở hạ tầng đồng bộ với cảng hàng không…
Còn việc cải tạo Sân bay quân sự Biên Hoà thành Cảng HKQT hỗ trợ cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng không khả thi, một phần vì chi phí cho việc đầu tư, cải tạo sẽ vào khoảng 7,5 tỷ USD do Sân bay Biên Hòa cũng nằm trong khu vực dân cư dày đặc của TP.Biên Hòa, bị nhiễm độc dioxin ở mức rất cao…
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng mở rộng và nâng công suất Cảng HKQT Tân Sơn Nhất mà không nhất thiết phải di dời nhiều hộ dân như vậy, vì quy mô quy hoạch của cảng này là 1.500ha, trong khi mới sử dụng 590ha cho mục đích dân sự. Nếu sử dụng diện tích sân golf (khoảng 160ha) và giải tỏa thêm một phần diện tích thuộc quy hoạch sân bay trước đây thì có thể mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lên 1.000 hoặc 1.200ha, tương đương với các cảng hàng không trong khu vực mà không nhất thiết mở rộng đến 1.500 ha như dự án. Đồng thời, nên có nhiều phương án lựa chọn những địa điểm khác ở các vùng miền để xây dựng sân bay mới bên cạnh huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai...
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai): Đồng Nai đã sẵn sàng hết rồi và mong sớm triển khai chứ không nên để thành quy hoạch treo. Phương án vốn như báo cáo của Chính phủ tôi cho là phù hợp cố gắng thực hiện phương án là huy động vốn ODA và huy động công và tư để đầu tư. Quốc hội cần phải xem xét theo kiến nghị của Chính phủ. 
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng): Chúng ta phải nói rằng, nếu kỳ này Quốc hội chấp thuận về chủ trương đầu tư thì trong khoảng 5 năm nữa, chúng ta mới bắt tay vào đầu tư được vì Quốc hội còn phải xem xét phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư dự án. Với Luật đầu tư công và những luật sửa đổi khác thì chúng ta sẽ thực hiện rất cẩn thận và cần nhiều thời gian, nhưng vẫn đảm bảo khi bắt tay vào dự án thì trong thời gian ngắn nhất có thể đưa công trình vào sử dụng. 
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): “Tôi băn khoăn về nợ công nếu triển khai dự án này vì theo báo cáo bổ sung của Chính phủ, tỷ lệ nợ công của dự án này là 0,091% GDP thì phải hết sức cân nhắc. Cũng cần thận trọng về đề nghị xin một số cơ chế đặc biệt cho dự án, vì cơ chế đặc biệt cũng chính là ngân sách nhà nước đầu tư vào đây và sẽ liên quan tới nợ công. Tôi đề nghị phải làm rõ. Chúng ta phải chú ý tới việc sử dụng đồng tiền nhà nước như thế nào cho hiệu quả trong dự án này.

Đọc thêm