Dự báo GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,8%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, diễn ra sáng 15/6.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp.

Việt Nam được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao

Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29%, là mức thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo. Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện tốt; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).

Trong những tháng cuối năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tiếp tục chuyển nhanh tư duy, nhận thức, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để có quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả; tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19, chỉ số tăng trưởng 5,8% trong 6 tháng là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; nhờ đó mà ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và thanh khoản được đảm bảo. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành các nhóm giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát các nhóm giải pháp, khâu đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong xây dựng và triển khai nhiệm vụ.

Chủ tịch QH cũng cho rằng cần kiên trì thực hiện “nhiệm vụ kép”, nhưng đồng thời phải chủ động xây dựng các kịch bản phát triển KT-XH linh hoạt trong ngắn hạn, dài hạn đối với từng vùng, miền, địa phương. Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch; đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine; tăng cường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số phục vụ sự phát triển KT-XH đất nước.

Triển khai các gói hỗ trợ do dịch COVID-19 còn chậm

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trước tác động bởi dịch bệnh COVID-19, các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc với quy mô 16.000 tỷ đồng, đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động, với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.

Còn gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ. Theo ông Thanh, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc thực hiện một số chính sách chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19 trên từng địa bàn nên việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp. Ủy ban này đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19.

Nhận định trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đầu tư công chính là “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ ra rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành... đến nay vẫn rất chậm. Nhất trí với ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Cường đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa.

Đọc thêm