Quý I ảm đạm, quý II sẽ tăng tốc
Tại buổi tọa đàm về dự báo kinh tế quý II/2017 vừa được tổ chức, TS Đặng Đức Anh, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, quý I vừa qua kinh tế vĩ mô ổn định, song tăng trưởng ở mức thấp, GDP chỉ tăng 5,1%. Căn cứ tình hình phát triển trong quý I, NCIF dự báo GDP quý II sẽ tăng lên 5,6% và cả năm khoảng 6,2%. Như vậy, theo NCIF, mức tăng GDP năm nay sẽ thấp hơn khá nhiều so với mức Quốc hội đặt mục tiêu là 6,7%.
Dự báo kinh tế quý II, đại diện NCIF cho biết sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với quý I. Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ bật đà tăng trưởng cao; công nghiệp khai khoáng phục hồi. Ngoài ra, tín dụng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao; tốc độ giải ngân vốn nhà nước tăng trưởng mạnh; công nghiệp chế biến chế tạo tăng.
Theo NCIF, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quý II sẽ khả quan hơn quý I: Nông nghiệp sẽ tăng 2,3% (quý I là 2,1%), công nghiệp tăng 6,3% (quý I là 4,17%), dịch vụ tăng 6,8% (quý I là 6,5%); nhập siêu 0,8 tỷ USD (quý I là 2 tỷ USD). “Kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi; thương mại toàn cầu tăng trưởng; giá dầu thế giới ít biến động hơn sẽ tác động, giúp kinh tế Việt Nam trong quý II phát triển”, TS.Đặng Đức Anh dự báo.
Lo ngại lạm phát
Theo chuyên gia kinh tế TS.Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV, căn cứ những chỉ số quan trọng của kinh tế vĩ mô quý I thấy được nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công; công nghiệp phụ trợ chậm phát triển. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhập siêu quý I tăng cao. “Một nguyên nhân khác khiến quý I nhập siêu lớn là do ô tô giá rẻ nhập về quá nhiều, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái”, TS.Lực giải thích thêm.
Liên quan đến lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá đây là vấn đề mà năm nay chúng ta không thể chủ quan. Theo NCIF, trong quý I lạm phát bình quân ở mức 4,96%; dự báo trong thời gian tới sức ép lạm phát gia tăng do áp lực từ giá dầu thế giới và tình hình giá cả trong nước.
TS. Lực cho biết, vài năm qua, vấn đề lạm phát được kiểm soát ở Việt Nam, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, năm nay được dự báo có nhiều áp lực lên lạm phát nên “không thể chủ quan”, TS.Lực nhấn mạnh. Theo chuyên gia kinh tế này, những yếu tố dễ tác động đến lạm phát như giá dịch vụ y tế, giao thông, điện, xăng dầu… năm nay có thể diễn biến phức tạp. Theo đó, giá dịch vụ giao thông có thể sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó, dịch vụ y tế đang tăng theo lộ trình và sẽ tiếp tục tăng thêm một nửa so với hiện tại.
Một số chuyên gia kinh tế khác cho biết, những biến động do giá dầu thế giới được dự báo tăng trong thời gian tới khiến giá xăng dầu trong nước có thể tăng theo; thị trường nông sản, hàng tiêu dùng trong nước nhiều biến động cũng có thể tác động tiêu cực đến chỉ số lạm phát.
TS. Nguyễn Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì chúng ta phải theo sát các diễn biến như sự kiện Brexit, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương không được thông qua, chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ hay những rủi ro từ nền kinh tế Trung Quốc…
Thông hiểu những diễn biến trên để từ đó có những chính sách phù hợp, đạt được mục tiêu phát triển kinh tế trong nước. Để kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế phát triển bền vững, kiềm chế được lạm phát thì điều quan trọng nhất là khả năng ứng xử của Chính phủ trước những diễn biến của thị trường trong và ngoài nước ở từng thời điểm.