Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất
Trong cả cuộc đời mình, mối quan tâm thường xuyên và lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bởi vậy, tư tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ quyền quốc gia trọn vẹn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Ngay trong Điều 2 của Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo và được Quốc hội thông qua ngày 9/1/1946, đã nêu rõ: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia.”
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dẫu biết cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta là lâu dài, gian khổ, nhưng với quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục đích chiến đấu hết sức thiêng liêng của dân tộc ta cũng là “vì độc lập, vì tự do”. Đây là sự nghiệp chính nghĩa và Người đặt niềm tin vào sự tất thắng của sự nghiệp vĩ đại đó.
Đã nhiều lần, Bác nhấn mạnh tính thống nhất bền vững của dân tộc Việt Nam: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Với Người, núi sông Việt Nam không thể phân chia, “kết đoàn ba miền như con một cha, nhà một nóc, no đói, rách lành sẻ chia, đùm bọc, không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”…Trên diễn đàn quốc tế, nói chuyện với Hội những người Ấn diễn ra tại Ấn Độ vào tháng 2/1958, Bác nêu rõ: “Nước Việt Nam là một khối thống nhất. Nguyện vọng tha thiết, ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất đất nước… Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”.
Từ bao đời nay, người dân Việt Nam dù ở miền ngược hay miền xuôi, biên giới hay hải đảo nhưng 54 dân tộc anh em đều chung một ước mong được sống trong hòa bình, thống nhất, biết đoàn kết, đùm bọc vượt qua khó khăn. Khẳng định tính thống nhất bền vững này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy tư tưởng, tình cảm của nhân dân, của ý thức dân tộc tự lực tự cường, từ đó tập hợp được một sức mạnh vĩ đại đứng lên bảo vệ quê hương.
Đó chính là chân lý “Đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết; Thành công - thành công - đại thành công”. Nói như PGS, TS. Trương Minh Dục (Học viện Chính trị khu vực 3), chính ý chí và sức mạnh thống nhất của dân tộc từ ngàn xưa được nâng lên tầm thời đại, cho phép nhân dân ta đánh bại mọi âm mưu chia rẽ thâm độc của bọn cướp nước và bán nước, của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc trọn vẹn và triệt để.
Niềm tin chiến thắng
Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, cả dân tộc sống trong nỗi đau chia cắt. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ những mất mát, hy sinh thầm lặng của mỗi người, mỗi gia đình, của những người phụ nữ gạt nước mắt tiễn chồng, tiễn con ra tiền tuyến. Người luôn luôn băn khoăn, day dứt khi sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước chưa hoàn thành: “Mỗi ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu nhiều gian khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Do vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm vui lớn nhất của Người là niềm vui Bắc Nam sum họp và luôn vững tin vào sức mạnh của lòng yêu nước sẽ chiến thắng mọi kẻ thù: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”; “...Quân và dân ta ở miền Nam có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ dù chúng đưa thêm vào miền Nam mấy chục vạn quân nữa”…
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một tất yếu lịch sử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo trước. Ngay từ năm 1960, nhân ngày Quốc khánh lần thứ 15 của nước ta, Người đã có một tầm nhìn vượt trước thời gian khi dự báo: “Chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu so sánh về sức mạnh quân sự, kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ lúc bấy giờ thì rõ ràng ta đang gặp nhiều khó khăn, nhưng dân tộc Việt Nam có một sức mạnh mà không kẻ địch nào có thể ngờ tới, đó là sức mạnh của tinh thần “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”, là sức mạnh của niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Với “Bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969”, những câu thơ không chỉ là lời hiệu triệu đồng bào, chiến sĩ tiến lên, mà còn là sự tiên đoán tài tình của Bác về ngày thống nhất đất nước:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Đó chính là những lời động viên đầy phấn khích để toàn dân, toàn quân tiến lên. Bác nhắc lại mục đích chiến đấu hết sức thiêng liêng của dân tộc ta là “vì độc lập, vì tự do”, đồng thời chỉ ra viễn cảnh tươi sáng đang tới rất gần, là ngày Bắc Nam sum họp.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người căn dặn: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Niềm tin và khát vọng thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thôi thúc đồng bào hai miền Nam- Bắc đồng tâm hiệp lực “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã chứng minh chân lý: sức mạnh của ý chí cách mạng, của tinh thần đoàn kết và niềm tin sắt son sẽ đè bẹp mọi vũ khí bom đạn của kẻ thù.
Khi lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn vào thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975, non sông Việt Nam đã thu về một mối, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam về một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sau những năm dài trường kỳ kháng chiến đã trở thành hiện thực. Đúng như dự đoán thiên tài của Bác, dù phải kinh qua nhiều gian khổ, hy sinh, song cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân “nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.