Xu hướng nổi bật trên thế giới
Nhiều chuyên trang du lịch của các tờ báo quốc tế đều đánh giá du lịch bằng xe đạp là xu hướng đang “nở rộ” tại nhiều quốc gia trong năm 2021, thậm chí xu hướng này có thể kéo dài đến năm 2022.
Mới đây, trang Australian Traveller (Úc) công bố 10 điểm du lịch không có ô tô đẹp nhất thế giới, trong đó phố cổ Hội An cũng được xướng tên cùng với đó là các điểm đến nổi tiếng khác ở Ý, Hy Lạp, Croatia, Úc, Mỹ…
Bài viết mô tả: “Những chiếc xe mô tô phổ biến của Việt Nam xuất hiện rất ít ở phố cổ Hội An. Vì vậy, người đi bộ có thể lượn lờ trên những con phố nhỏ mua sắm, may đồ mà không bị người đi xe máy đi qua làm phiền”. Tại những điểm du lịch không ô tô, du khách tham quan có thể đi bộ, phương tiện công cộng hoặc bằng xe đạp, trong đó hình thức du lịch bằng xe đạp được ưa chuộng hơn cả.
Nói về du lịch bằng xe đạp, các chuyên trang du lịch quốc tế thuộc các toà báo khác như CNN (Mỹ), Wanderlust (Anh), The Guardian (Anh), New York Times (Mỹ)… đều có những bài viết đánh giá về tiềm năng và sự phát triển của loại hình du lịch bằng xe đạp trên thế giới trong nhiều năm qua. Tiết kiệm, lành mạnh, bảo vệ môi trường, an toàn và thuận tiện là các lý do khiến hình thức du lịch này được quan tâm.
Theo Công ty Tư vấn du lịch quốc tế Tour Writer, trước năm 2020, chỉ riêng lĩnh vực du lịch xe đạp ở châu Âu đã đạt giá trị 44 tỷ Euro. Sau dịch COVID-19 “đóng băng” ngành du lịch thế giới trong năm qua, các chuyên gia dự đoán nhu cầu của du khách sẽ hướng tới những trải nghiệm du lịch chăm sóc sức khỏe, thân thiện với môi trường và ưu tiên thị trường nội địa.
Du lịch bằng xe đạp không chỉ hội tụ đủ những yếu tố trên mà còn phù hợp với các du khách ở đủ mọi độ tuổi khác nhau, không phân biệt dân chuyên hay không chuyên. Do đó, thị trường này được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021, thậm chí vẫn là xu hướng du lịch nổi bật của năm 2022.
Mặt khác, trong nỗ lực “mở cửa” lại du lịch, nhiều thành phố trên thế giới phải cố gắng “bắt kịp” với nhu cầu ngày càng gia tăng của du khách đi xe đạp. Điển hình là thành phố Paris trợ cấp đến 500 Euro cho những người dân mua xe đạp điện, nhằm thúc đẩy phong trào du lịch bằng xe đạp trong nước. Chính quyền thành phố còn đầu tư vào các làn đường dành riêng cho xe đạp, bãi “đậu” xe đạp chuyên dụng…
Chính phủ Hy Lạp cũng đầu tư một khoản tiền lớn vào việc cải tiến cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch bằng xe đạp. Họ thậm chí còn cấp chứng chỉ thân thiện với xe đạp cho một số điểm đến và doanh nghiệp trong ngành du lịch.
New Zealand đã đầu tư khoảng 17,4 triệu USD để xây dựng và mở rộng tuyến đường xuyên quốc gia dành riêng cho xe đạp từ năm 2016. Điều đó cho thấy, đi xe đạp đã và đang là xu hướng du lịch chủ đạo tại nhiều quốc gia trên thế giới.
|
Hội An lọt vào danh sách điểm đến không ô tô đẹp nhất thế giới. |
“Manh mún” ở Việt Nam
Tại Việt Nam, du lịch bằng xe đạp đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn chỉ được coi là “thị trường ngách”. Đối với những tín đồ của loại hình du lịch này, có thể kể đến những loại tour như hành trình du lịch Đà Lạt – Nha Trang bằng xe đạp, trải nghiệm đạp xe trên cung đường Dankia – Langbiang tại Đà Lạt, tour đạp xe 2 ngày 3 đêm Mai Châu – Ninh Bình, hay đạp xe khám phá các làng cổ quanh Hà Nội,…
Trên thực tế, loại hình này mới chỉ “manh mún” ở một số điểm đến, tập trung vào một số nhóm du khách nhỏ lẻ, chưa thực sự phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng miền.
Đáng nói, trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, cộng đồng mạng lan truyền nhiều thông tin, hình ảnh về việc hàng trăm người dân hàng ngày tập thể dục, đạp xe quanh các điểm như hồ Tây, hồ Gươm… mặc dù đã có thông báo cấm các hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người ở công viên, vườn hoa... để phòng dịch COVID-19.
Sau khi Thủ đô nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, người dân có thể thoải mái đạp xe hơn vào khoảng thời gian từ xế chiều khi nhiệt độ bớt nóng bức. Tuy nhiên, do không có phần đường dành riêng cho xe đạp nên những người đi xe đạp thường đi cùng làn với xe máy, ô tô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Không thể phủ nhận, xu hướng đạp xe hay du lịch bằng xe đạp đều có những lợi ích về nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch bằng xe đạp, cũng giống như các loại hình du lịch khác, cũng cần có sự định hướng và đầu tư bài bản như ở các nước Pháp, Đan Mạch, Hy Lạp…
Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với người đạp xe, cần có những quy định, khuyến cáo cụ thể dành cho những du khách bằng xe đạp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn sức khỏe và văn minh du lịch.
Du lịch bằng xe đạp vốn không xa lạ trên thế giới. Trong Bảng chỉ số Copenhagenize - Bảng xếp hạng về các thành phố thân thiện với du lịch bằng xe đạp trên thế giới năm 2020, đứng tốp đầu vẫn là những thành phố như Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch), San Sebastián (Tây Ban Nha), Bogotá (Colombia)…
Tại Copenhagen, di chuyển bằng xe đạp là một phần của cuộc sống và văn hóa của người dân – điều mà các du khách đến đây cũng mong muốn được trải nghiệm. Theo một thống kê năm 2019, tại thành phố này 62% người Copenhagen đã sử dụng xe đạp đi làm, đi học, đi chợ, đi chơi… Các nhà nghiên cứu từ Đan Mạch còn cho biết du lịch bằng phương tiện xe đạp thường chỉ tốn bằng khoảng 1/3 số tiền so với việc sử dụng phương tiện ô tô.