Cẩn trọng với những “bí kíp” du lịch mạo hiểm qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghiên cứu mới nhất của nền tảng du lịch Klook chỉ ra rằng, năm 2024, mạng xã hội chính là công cụ thiết yếu để chia sẻ trải nghiệm, thúc đẩy yếu tố lan tỏa và nhu cầu du lịch. Cụ thể, hơn 80% khách du lịch châu Á - Thái Bình Dương và đến 91% du khách Việt Nam đã đặt các dịch vụ du lịch dựa trên các đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung, trong đó định dạng phổ biến nhất với người Việt Nam là video (63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ.
Du lịch mạo hiểm hấp dẫn, nhưng cũng đi kèm rất nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa. Nguồn: Trekking Camping)
Du lịch mạo hiểm hấp dẫn, nhưng cũng đi kèm rất nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa. Nguồn: Trekking Camping)

Những rủi ro dễ gặp phải

Vào cuối tháng 10 vừa qua, tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), có một nhóm 6 du khách gặp nạn khi đi chèo sub tại biển xã Long Hải (huyện đảo Phú Quý). Được biết, đây là vùng biển cấm chèo sub, do sóng lớn và dòng cuốn ra xa, 6 du khách không thể quay trở lại bờ. Dù được đại diện villa, nơi du khách đăng ký lưu trú ở đảo chạy xuồng ra hỗ trợ nhưng chỉ đưa được 3 người vào bờ. Sau đó, khoảng chiều tối, một du khách bơi được vào bờ, cách vị trí mất tích 1km. Đến hôm sau, một du khách nữ nhờ mặc áo phao đã may mắn được ngư dân hỗ trợ đưa vào bờ. Du khách cuối cùng tên C.H.M đã tử vong và được tìm thấy thi thể.

Vào ngày 29/9, ở khu vực núi LangBiang, tỉnh Lâm Đồng, có hai nữ hành khách đi lạc khi tham quan khu rừng trên đỉnh núi. Sau đó, Công an huyện Lạc Dương, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tự quản thị trấn Lạc Dương phối hợp Khu du lịch Langbiang huy động lực lượng tìm kiếm. Đến khoảng 18 giờ, hai du khách đã được tìm thấy ở khu vực rừng già và toàn vực sâu.

Báo cáo của hai nền tảng du lịch Expedia và Booking cho biết, xu hướng đi du lịch đến nơi yên tĩnh, mới mẻ, gần gũi với thiên nhiên được nhiều du khách lựa chọn. Xu hướng này được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2025.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, du khách đang lựa chọn các chuyến du lịch đến vùng đất hoang sơ, gắn liền với thiên nhiên, văn hóa bản địa. Những tour du lịch trekking (khám phá rừng núi), du lịch gắn liền với môn thể thao ngoài trời, du lịch trải nghiệm sống cùng người dân bản địa,... thu hút sự quan tâm của nhiều hành khách, đặc biệt là người trẻ. Một số địa điểm được du khách yêu thích là các hòn đảo còn tương đối nguyên sơ như đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đảo Nam Du (tỉnh Khánh Hòa)... hay những đỉnh núi cao chót vót với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ như Tà Xùa (tỉnh Sơn La), LangBiang (tỉnh Lâm Đồng), đỉnh Phượng Hoàng (tỉnh Quảng Ninh)...

Du lịch mạo hiểm tự phát bùng phát vì mạng xã hội

Thực tế, do ảnh hưởng của mạng xã hội các hành khách đi du lịch mạo hiểm tự phát khá nhiều. Những người đam mê du lịch dễ dàng biết được những địa điểm độc đáo, mới mẻ, hấp dẫn. Đồng thời, nắm bắt các cung đường, hoạt động mạo hiểm thú vị. Đặc biệt, họ tiết kiệm được một khoản chi phí thuê hướng dẫn viên và các công ty tổ chức du lịch mạo hiểm chuyên nghiệp. Như hiện nay, có thể dễ dàng bắt gặp các cá nhân, nhóm nhỏ tự tổ chức leo núi, chèo sup, chèo kayak, lội suối, vượt sông ở những địa điểm tương đối nguy hiểm.

Những hoạt động du lịch mạo hiểm tự phát thông qua các “bí kíp” trên mạng xã hội tưởng chừng “vô thưởng, vô phạt”, lại ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Du khách hoàn toàn không nắm được tình hình thời tiết ở các điểm đến như mùa mưa - mùa khô tại vùng núi hay mùa biển động - biển lặng ở đảo. Bản thân các các nhân, nhóm khách đi du lịch mạo hiểm tự phát cũng không thể xử lý các rủi ro không may gặp phải trong chuyến đi như: gặp rắn độc, mưa lũ đột ngột, đuối nước, lạc đường,...

Ông Phạm Xuân Nguyên - cán bộ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, du khách thường nắm bắt thông tin khám phá núi LangBiang qua các diễn đàn, hội nhóm, trang mạng xã hội. Nhiều người sau đó khám phá núi dù chưa hiểu cụ thể về địa hình, thời tiết nơi đây. Lấy ví dụ như vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, núi LangBiang có xu hướng nắng đẹp vào buổi sáng, mưa vào chiều tối gây mất phương hướng cho du khách. Để ngăn chặn tình trạng du khách lạc đường khi tự ý khám phá núi LangBiang, đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng cắm các biển báo, bảng cấm tại những lối mòn dẫn vào rừng; tuần tra, sớm phát hiện và ngăn chặn các trường hợp du khách leo núi tự phát để bảo đảm an toàn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định, hiện nay, có nhiều hội nhóm du lịch mạo hiểm hoạt động dựa trên kinh nghiệm cá nhân hoặc các thành viên chứ không phải đơn vị tổ chức tour chuyên nghiệp nên không có hợp đồng tour hoặc bảo hiểm du lịch. Nếu không may gặp sự cố nguy hại đến sức khỏe, khách sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Do vậy, khi tham gia du lịch mạo hiểm, du khách nên lựa chọn dịch vụ của những đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm, không nên tự ý tổ chức. Đặc biệt, để du lịch mạo hiểm trở nên chuyên nghiệp, cơ quan quản lý cần ban hành các quy định pháp lý chung về du lịch mạo hiểm.

Đọc thêm