Nghịch lý của xu hướng du lịch hàng đầu năm 2018
Có một điểm chung thu hút đông đảo du khách trong năm qua tới các địa điểm du lịch như rừng rậm nhiệt đới Amazon, rừng ngập mặn Everglades (Florida, Mỹ), rạn san hô Great Barrier (Úc), núi băng tan ở Công viên quốc gia Glacier (Montana, Mỹ) và thành phố Venice đang dần bị nhấn chìm xuống biển. Nguyên nhân là bởi, đây có thể là những cơ hội cuối cùng du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của những nơi này, trước khi hệ sinh thái những địa điểm trên bị phá hủy nghiêm trọng, đến mức phải đóng cửa để bảo tồn hoặc không bao giờ có thể phục hồi được. Đây được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong những xu hướng du lịch hàng đầu năm 2018.
Nhưng với những con số tăng trưởng đáng hoan nghênh, mặt trái thiệt hại đối với những khu vực mà hệ sinh thái đang đứng trên một “sợi dây mong manh” lại đáng lo ngại hơn nhiều. Kể từ năm 2003, du lịch đến Maldives đã tăng 68% và số lượng du khách đến Quần đảo Galapagos đã tăng 38%, theo thống kê của trang web Squaremouth. Mặt khác, lượng du khách đến Công viên Quốc gia Glacier (Mỹ) tăng đều đặn từ năm 2001; các chuyên gia đánh giá tốc độ nóng lên của khí hậu địa điểm này đang tăng nhanh gấp đôi so tốc độ nóng lên chung của toàn cầu, dẫn đến hiện tượng băng tan.
Theo đó, Ban quản lý Công viên Quốc gia Glacier cũng phản ánh với báo giới về tình trạng du khách đã giẫm đạp lên thảm thực vật, xả rác, gây ô nhiễm và phá hủy nghiêm trọng đối với hệ sinh thái. Tương tự, chuyến du hành dài hạn đến xem những con gấu bắc cực sắp bị tuyệt chủng ở Churchill, một thị trấn thuộc tỉnh Manitoba của Canada – được biết đây là nơi duy nhất có thể tiếp cận dễ dàng loài gấu bắc cực trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Hệ quả của những chuyến du lịch này để lại là khoảng 8,41 tấn carbon đi-ô-xít mỗi người mỗi chuyến, một nguyên nhân dẫn đến việc khí hậu nơi này bị nóng lên, đe dọa môi trường sống của loài sinh vật nơi đây.
Cụ thể, con số này được so sánh ngang ngửa với 10,9 tấn khí thải mà một người sống ở Anh đóng góp vào môi trường sống trong suốt cả một năm, theo một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tạp chí Current Issues. Các khu vực khác, chẳng hạn như Machu Picchu (Peru) đã bị “ngập lụt” với số lượng khách du lịch ngày càng tăng trong nhiều năm, bị xói mòn và xả rác.
Thời đại hiện nay, con người là những người du hành tò mò, ham hiểu biết, nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại trầm trọng đối với hành tinh của chúng ta. Mực nước biển dâng cao, xói mòn, rừng bị phá hủy và đô thị hóa chỉ là một số biểu hiện hệ sinh thái tự nhiên đang bị phá hủy nghiêm trọng, thậm chí có thể bị đẩy đến “bờ vực” biến mất hoàn toàn. Nhưng trớ trêu thay, đây lại là một cơ hội kinh doanh lớn: du lịch đến những địa điểm đang “mong manh” trên thế giới trước khi chúng biến mất.
Du khách vô tư lội, giẫm đạp lên rạn san hô lộ thiên ở Hòn Yến. Ảnh: NLĐ |
Một mặt, động lực của xu hướng du lịch này nhằm giúp con người nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, bù đắp cho những thiệt hại mà con người đã gây ra. Một lợi ích khác là số tiền thu về sẽ tạo ra các quỹ cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái. Mặt khác, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong khi khách du lịch đến Churchill xem gấu bắc cực hay các cuộc du hành khác đến Nam cực, đã tác động tiêu cực tới khí hậu và hệ sinh thái nơi đây, cũng như không nhất thiết có thể thay đổi nhận thức của họ về khí thải nhà kính, biến đổi khí hậu hay phải làm gì để bù đắp lượng khí thải do trải nghiệm của họ gây ra.
Mâu thuẫn cụ thể như sau, tiền từ du lịch đến rạn san hô Great Barrier (Úc) giúp ban quản lý công viên biển bảo vệ và bảo tồn rạn san hô. Nhưng đồng thời, hoạt động du lịch của con người gây ô nhiễm các rạn san hô riêng lẻ, môi trường biển bị ô nhiễm bởi các chất không phân hủy như kem chống nắng của du khách. Vào năm 2012, các nhà khoa học ước tính rằng rạn san hô Great Barrier đã mất hơn một nửa diện tích san hô kể từ năm 1985.
Nhưng khi công bố nghiên cứu như vậy, du khách lại càng thấy kích thích muốn đến những nơi đang rơi vào tình trạng “nguy cấp, đáng báo động” để thưởng thức lần cuối, vô hình chung đã đẩy nhanh quá trình “nguy cấp” của điểm đến này. Theo nhà sinh thái học Peter Mumby, khi các thông tin bị khai thác sai mục đích nhằm khơi gợi trí tò mò của du khách, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Quả thực, rạn san hô đã và đang xuống cấp trầm trọng, và chúng ta cần tăng tốc hành động để bảo vệ nó, nhưng quan niệm rằng “nó sẽ chết” là sai.
Du lịch là chia sẻ trách nhiệm!
Eke Eijgelaar, nhà nghiên cứu du lịch bền vững tại Đại học Breda (Hà Lan), cho biết ông không tin du lịch có cơ hội nâng cao nhận thức của mọi người về tác động của biến đổi khí hậu. Những tác động của chuyến đi đường dài này là quá lớn. Chỉ cần tưởng tượng 500 triệu lượt người châu Âu đi du lịch đến rạn san hô Great Barrier hoặc Nam Cực; thì tổng lượng khí thải carbon đi-ô-xít của họ sẽ tương đương với lượng khí thải hàng năm của 250 triệu người Anh hoặc người Hà Lan.
Trong nhiều trường hợp, du lịch phải được cân bằng với bảo tồn. Thậm chí, bảo tồn phải được ưu tiên trước du lịch. Có thể thấy, các quy định về du lịch đang ngày càng được siết chặt để chống lại thiệt hại đối với các hệ sinh thái đang bấp bênh và bị đe dọa. Đơn cử ở Nam Cực, bà Amanda Lynnes, thuộc Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nam Cực quốc tế (IAATO), cho biết: “Một khi bạn bắt đầu giảm bớt trải nghiệm, bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội để giáo dục và thông báo cho mọi người biết nó đặc biệt như thế nào ở đây, nhưng mục đích bảo vệ hệ sinh thái luôn đi trước mục đích du lịch. Một khi một hệ sinh thái đã bị phá hủy, nó khó có thể dễ dàng được đưa trở lại trạng thái ban đầu. Cần có tư duy quản lý và suy nghĩ đúng đắn để hiểu ra có những quá trình không thể đảo ngược”.
\Tương tự, du lịch ở Galaposos được kiểm soát rất chặt chẽ, với các quy định nghiêm ngặt về nơi du khách có thể đi bộ và có bao nhiêu người có thể ghé thăm mỗi hòn đảo hàng ngày, và nó khoanh vùng tập trung vào một số hòn đảo để tránh xói mòn những địa điểm đang có nguy cơ.
Rạn san hô Great Barrier đã mất hơn một nửa diện tích san hô kể từ năm 1985 |
Du lịch sẽ ngày càng tăng trưởng bởi nhiều khách du lịch với mức sống ngày càng nâng cao, muốn trải nghiệm những điều mới mẻ và kỳ lạ ở các nền văn hóa khác; lại thêm sự cộng hưởng từ mạng, truyền thông với những thông tin được “thổi phồng quá mức” so với sự thật. Nhưng điều này đã mang đến những tác động tiêu cực, sản sinh ra một loại hình du lịch khác gọi là “du lịch kiểu selfie”. Ví dụ, nhiều du khách đến thành phố Venice chỉ để “đánh dấu” vào ô “Tôi đã thấy Venice – thành phố đang bị nhấn chìm trong biển” thay vì ghé thăm các di sản thế giới, thưởng thức mỏn ăn địa phương, chi tiết cho những thức quà đặc trưng của vùng miền đó.
Phần lớn người đi du lịch ngoài thưởng lãm là mong muốn tìm một điều gì mới mẻ cho bản thân mình bằng cách ngắt mạch với cuộc sống ở nơi cũ. Ở một góc độ khác, tư duy này cũng lòng vòng theo kiểu người đi xe máy trong giao thông ùn tắc phàn nàn về tình trạng ùn tắc của giao thông nhưng chính họ cũng là nhân tố tạo nên sự ùn tắc đó. Do vậy, điều đáng suy nghĩ là du khách không thể tách bản thân họ ra khỏi viễn cảnh chung là bất cứ hành động của họ đều ảnh hưởng đến môi trường, thiên nhiên xung quanh.
Du khách có thể ngụy biện rằng “chúng tôi có tầm nhìn về những gì chúng tôi muốn”; nhưng có lẽ cũng ít nhất tầm một tỷ người khác có cùng tầm nhìn như vậy. Hay nói cách khác, du lịch không chỉ là trải nghiệm của mỗi cá nhân mà nên là sự sẻ chia trách nhiệm với những người đi du hành khác cũng như với chính cộng đồng cư dân, sinh vật và thiên nhiên bản địa.