Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Tính riêng trong 2017, Việt Nam thu hút khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 74 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 515.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2016.
Ngành du lịch đã đóng góp 6,96% GDP và 67,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2016. Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có lượng khách quốc tế tăng trưởng nhanh nhất.
Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, những thành tựu này vẫn rất khiêm nhường nếu so sánh với tiềm năng đang hiện hữu tại Việt Nam. Mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng khoảng cách giữa du lịch Việt Nam và thế giới còn cách biệt khá xa, mức độ cạnh tranh còn thấp so với các nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Do đó, việc cơ cấu lại ngành du lịch cho phù hợp là việc làm cần thiết, trong đó cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng sáng tạo có thể xem là một trong những nhân tố cốt lõi.
Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” |
Sản phẩm du lịch sáng tạo còn khan hiếm
Bàn về tính sáng tạo trong du lịch, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra một hình ảnh khá trực quan: nếu chúng ta trồng lúa trên ruộng thì không ai để ý, nhưng nếu chúng ta trồng lúa trên sa mạc, chắc chắn sẽ rất nhiều người đến xem.
Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, hiện nay sản phẩm dịch vụ du lịch tại Việt Nam còn đơn điệu, nghèo nàn, chất lượng chưa cao và chưa khai thác hết thị trường tiềm năng.
Điều này thể hiện qua tỷ lệ các dịch vụ lưu trú, ăn uống và đi lại trong du lịch chiếm đến 67%, trong khi các dịch vụ khác chỉ chiếm 33%.
Cùng chung trăn trở này, ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines, cho biết: “Đến Mỹ, tôi bỏ ra nửa ngày để xem bảo tàng đường sắt. Tôi bỏ ra nửa ngày để xem bảo tàng xay sát hay xem bảo tàng Đại học Quốc gia. Chúng ta có một số bảo tàng về chiến tranh nhưng nói chung những sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo còn thiếu”.
Trong khi đó, Việt Nam lại là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử phong phú, rất thuận lợi để phát triển các loại hình sáng tạo như: du lịch golf, du lịch lịch sử chiến tranh, du lịch trải nghiệm... đa dạng và linh hoạt.
Nhìn quanh khu vực, chúng ta có thể học hỏi mô hình du lịch sáng tạo từ một quốc gia rất mạnh trong lĩnh vực này là Hàn Quốc. Du lịch Hàn Quốc phát triển nhờ gắn kết với giải trí (âm nhạc, phim ảnh,…); ngoài ra, còn kết hợp du lịch với nghệ thuật biểu diễn tổng hợp như: ca nhạc, khiêu vũ, nhạc cụ, hội họa, xiếc…
Nhiều rào cản về pháp lý
Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Vũ Đặng Hải Yến – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC đồng tình với ý kiến cho rằng, du lịch Việt Nam cần nhiều hơn những sản phẩm sáng tạo mang tính đột phá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bà Vũ Đặng Hải Yến – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC tham luận tại hội thảo |
Tuy nhiên, cũng theo bà Yến, các sản phẩm sáng tạo này vẫn còn gặp nhiều hạn chế khi đưa ra thị trường, trong đó rào cản lớn nhất lại nằm ở chính sách và pháp lý.
Dẫn chứng về du lịch golf, một trong những hình thức du lịch sáng tạo đang xếp thứ ba về động cơ du lịch tại châu Á, bà Yến cho biết, hiện FLC đang sở hữu hệ thống 3 sân golf quy mô thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
“Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng hệ thống sân golf để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á – thị trường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khá nhiều rào cản liên quan đến quy trình xin cấp phép, dẫn tới chậm trễ trong việc khai thác tiềm năng của loại hình này”.
Không chỉ du lịch golf, nhiều sản phẩm mới khác của du lịch nghỉ dưỡng như condotel hay “timeshare” (mô hình chia sẻ kỳ nghỉ) cũng đang đứng trước tình trạng tương tự. Theo bà Yến, đây đều là những sản phẩm sáng tạo có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy du khách và tăng trưởng du lịch, nhưng hiện chưa có những luật định cụ thể và gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
“Đơn cử như tính bền vững trong du lịch hiện đang chưa có quy chuẩn cụ thể. Các cơ quan quản lý nên ban hành bộ tiêu chí rõ ràng về vấn đề này, để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhằm hài hòa về mặt lợi ích giữa tất cả các bên", bà Yến bình luận.
Bổ sung cho quan điểm nói trên, ông Lương Hoài Nam cũng cho rằng việc hoàn thiện thể chế, quy chuẩn không chỉ có lợi cho doanh nghiệp khi phát triển sản phẩm, mà người dân và giới khoa học cũng có thể dựa vào đó để làm cơ sở tham gia phản biện quy hoạch và giám sát tuân thủ của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án.