Du lịch thân thiện với voi: Hướng đi nhân văn để bảo vệ loài voi

(PLVN) - Từng được xem là “đặc sản” tại nhiều điểm du lịch, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên, hoạt động cưỡi voi đang ngày càng bộc lộ rõ những bất cập nghiêm trọng về phúc lợi động vật và tính pháp lý. Trước thực trạng lạm dụng voi kéo dài trong ngành du lịch, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải rà soát lại mô hình này, đồng thời thúc đẩy các giải pháp thay thế mang tính nhân văn, bền vững, phù hợp với quy định pháp luật cũng như xu hướng bảo tồn quốc tế.
Du khách thích thú mô hình du lịch voi thân thiện ở Đắk Lắk. (Nguồn: Báo Lao Động)

Phúc lợi động vật của voi chưa được quan tâm

Những cá thể voi sử dụng trong ngành du lịch hiện nay phần lớn có nguồn gốc từ voi hoang dã, thường trong độ tuổi từ 2 đến 4. Đây là giai đoạn chúng dễ bị khống chế, thuần hóa nhất. Tuy nhiên, quá trình này lại là một chuỗi các hành vi cực đoan để “bẻ gãy tinh thần” của voi con để chúng khuất phục. Sau đó, voi con tiếp tục huấn luyện để kéo gỗ, chở khách… Khi được thuần dưỡng, voi có thể được bán cho các cá nhân, tổ chức (vườn thú, khu du lịch). Đây là nguồn gốc của hầu hết các cá thể voi tại các địa điểm cung cấp dịch vụ cưỡi voi ở nước ta.

Về mặt sinh học, cấu trúc xương của voi không được thiết kế để chịu được trọng lượng lớn ở trên lưng. Tuy nhiên, trong các khu du lịch, mỗi con voi phải cõng từ 1 đến 3 du khách ngồi trên một chiếc bành - loại yên bằng kim loại, được gắn chặt bằng dây đeo quanh ngực và đuôi. Ma sát từ bành, dây chằng, kết hợp với cường độ làm việc cao có thể gây ra hàng loạt các tổn thương nghiêm trọng như biến dạng xương sống, phồng rộp, viêm da, thậm chí là nhiễm trùng nặng ở vùng lưng, khiến cho voi phải chịu nhiều đau đớn.

Khi không phải làm việc, voi thường bị xích tại chỗ hay bị nhốt trong chuồng chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu vận động cơ bản. Với trọng lượng trung bình từ 4 - 5 tấn, việc phải đứng quá lâu trên nền đất cứng hay nền bê tông, khiến hệ xương khớp, chân, móng của voi chịu áp lực rất lớn. Nhiều cá thể đã gặp phải tình trạng nứt móng, viêm da, biến dạng chân và các bệnh lý xương khớp.

Du khách, đặc biệt là trẻ em trực tiếp trải nghiệm dịch vụ cưỡi voi mà không hề có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. (Ảnh: Animals Asia )

Dụng cụ phổ biến mà quản tượng thường dùng để huấn luyện voi là một cây móc sắt, dài khoảng 1 mét, có móc và mũi nhọn. Dụng cụ này được sử dụng để duy trì quyền kiểm soát, đóng vai trò như một hình thức trừng phạt thể chất khi voi không nghe lời. Người huấn luyện chủ yếu chọc vào các vùng nhạy cảm như trán và phía sau tai, gây cho voi cảm giác cực kỳ khó chịu và khiến chúng phải tuân lệnh.

Voi là loài động vật có trí thông minh cao và có cảm xúc rất rõ rệt, là một loài động vật có đời sống xã hội phức tạp nên việc phải sống trong môi trường thiếu đi nhiều yếu tố xã hội có thể khiến voi rơi vào trạng thái tương tự như trầm cảm, ảnh hưởng lớn tới phúc lợi của chúng. Những hành vi bất thường lặp đi lặp lại như đung đưa vòi liên tục, nhấc chân vô định hay không phản ứng gì với các kích thích đều là hậu quả của “trạng thái bất lực học được”, khi mà voi không còn muốn phản kháng hay thay đổi hoàn cảnh sống đầy bất lợi nữa. Việc voi từ bỏ nỗ lực để có thể sống đúng với bản năng của mình, về lâu dài, có thể gây ra các vấn đề sang chấn tâm lý, rối loạn hành vi.

Dịch vụ cưỡi voi trong du lịch cần được chấm dứt

Dù dịch vụ cưỡi voi trong du lịch mang lại lợi ích kinh tế cho một số cá nhân, tổ chức, nhưng dưới góc độ pháp lý, hoạt động này bộc lộ nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là sự xung đột giữa mục tiêu sinh lợi và công tác bảo tồn loài nguy cấp.

Mặc dù theo pháp luật về thương mại, dịch vụ cưỡi voi hoàn toàn đáp ứng các yếu tố của hoạt động thương mại, chiếu theo quy định rằng hoạt động thương mại là “hoạt động nhằm mục đích sinh lợi”, bao gồm cả “cung ứng dịch vụ”. Việc tổ chức cho du khách cưỡi voi có thu phí chính là một giao dịch thương mại, với sự tham gia của bên cung ứng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ và yếu tố thanh toán, lợi nhuận. Tuy nhiên, từ góc độ pháp luật chuyên ngành về bảo vệ động vật hoang dã, dịch vụ này lại tiềm ẩn dấu hiệu vi phạm. Khoản 1 Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định voi châu Á (Elephas maximus) thuộc Nhóm IB - nhóm động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Theo khoản 10 Điều 3, “vì mục đích thương mại” là bất kỳ hoạt động giao dịch nào nhằm mục đích lợi nhuận; trong khi đó, khoản 11 (được sửa đổi bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP) liệt kê cụ thể các trường hợp “không vì mục đích thương mại” và rõ ràng, cưỡi voi không nằm trong số đó.

Một số vấn đề liên quan đến chân voi và voi phải đeo bành bằng kim loại để chở khách. (Ảnh: Animals Asia )

Thực tế này đã đặt ra một tình huống pháp lý phức tạp: nếu voi đã được đăng ký hợp pháp theo Điều 14 của Nghị định này, tức nuôi không vì mục đích thương mại, nhưng lại được sử dụng để chở khách có thu phí, thì đây là hành vi lợi dụng cơ chế đăng ký để hợp pháp hóa việc khai thác thương mại trái phép. Ngược lại, nếu đăng ký theo Điều 15, nuôi vì mục đích thương mại, thì cơ sở bắt buộc phải đáp ứng đồng thời các điều kiện khắt khe như: có nguồn gốc hợp pháp, chuồng trại phù hợp và quan trọng nhất là phải có văn bản xác nhận từ Cơ quan khoa học CITES Việt Nam về việc nuôi không ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của loài trong tự nhiên. Tuy nhiên, với voi, loài đang bị nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại, thì việc đăng ký hợp pháp gần như không khả thi về mặt pháp lý.

Sự tồn tại công khai và kéo dài của dịch vụ cưỡi voi - bất chấp hệ thống quy định đã tương đối đầy đủ - cho thấy khoảng trống đáng kể trong khâu giám sát và thực thi pháp luật. Việc tiếp tục lạm dụng voi tại các cơ sở du lịch không chỉ làm suy yếu uy tín quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn, mà còn đẩy nhanh sự suy giảm về sức khỏe, tuổi thọ và tập tính tự nhiên của loài. Đó là chưa nói nói theo khoản 2, khoản 3 Điều 13 Luật Du lịch 2017, các đơn vị quản lý và kinh doanh du lịch có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho du khách, bao gồm phòng tránh rủi ro, cảnh báo nguy hiểm và tổ chức lực lượng cứu hộ khi cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động cưỡi voi tại nhiều điểm du lịch hiện nay chưa đáp ứng các yêu cầu này, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách và có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật Luật Du lịch 2017.

Trong khi mô hình cưỡi voi đang bộc lộ nhiều bất cập, thì du lịch thân thiện với voi đang trở thành hướng đi nhân văn và bền vững hơn. Thay vì ép buộc voi chở khách, mô hình này để voi sống tự nhiên, không mang bình yên, không bị tiếp xúc trực tiếp với du khách. Đây cũng là một hình thức khai thác voi trong du lịch, nhưng không vì mục đích thương mại - mà hướng tới bảo tồn, bảo đảm đáp ứng được các tiêu chí phù hợp với đặc tính sinh trưởng của voi, cũng như bảo đảm an toàn cho du khách theo quy định tại Điều 14 Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Tiêu biểu là dự án Hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, do Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện. Năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á ký kết bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mô hình thân thiện với voi nhà, mục đích hướng tới việc chấm dứt sử dụng mô hình du lịch cưỡi voi và các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk. Cụ thể hóa bản ghi nhớ này, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh, nguồn kinh phí do AAF tài trợ hơn 55 tỷ đồng. Mục tiêu, nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, hướng tới chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà; duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026, hướng đến mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Qua đó, thay thế hoàn toàn hình thức du lịch cưỡi voi; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi… Mô hình này vừa cải thiện rõ rệt phúc lợi cho voi, vừa mang lại trải nghiệm chân thực cho du khách, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên.

Mới đây, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú đã chính thức chấm dứt hoạt động cưỡi voi kể từ ngày 22/03/2025, để chuyển hướng sang các hình thức du lịch thân thiện và tôn trọng hơn với loài voi. Đây là một bước đi rất đáng hoan nghênh, phản ánh sự lắng nghe trước áp lực từ dư luận.

Đọc thêm