Nhận diện tăng trưởng và tồn tại
Đánh giá chung, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khẳng định, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sức cạnh tranh ngày càng nâng lên.
Đáng chú ý, công nghiệp của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, với giá trị tăng thêm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 17,29%/năm. Tỉnh đã thu hút đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Cùng với nhiệt điện than, các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư, hòa lưới điện quốc gia, đã góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng.
Ngành mũi nhọn thứ hai là du lịch tiếp tục phát triển theo hướng bền vững. Du lịch Bình Thuận nói chung và Khu du lịch Quốc gia Mũi Né nâng cao chất lượng, giữ vững được thương hiệu và uy tín. Số lượt du khách và doanh thu du lịch liên tục tăng qua từng năm. Thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm lực; các dự án du lịch triển khai đạt kết quả tốt. Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng ngành du lịch.
Ngoài hai lĩnh vực trên, ngành thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp được tái cơ cấu đạt kết quả bước đầu, năng suất được nâng lên. Bước đầu thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cây thanh long trở thành sản phẩm lợi thế có sự tăng trưởng nhanh về diện tích, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng nền kinh tế còn hạn chế, các yếu tố khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực kết tinh trong tăng trưởng còn thấp.
Sản xuất công nghiệp phát triển thiếu cân đối, tăng trưởng ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào công nghiệp năng lượng, tỷ trọng công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chưa cao, chưa phát huy hiệu quả nguồn nguyên liệu của địa phương.
Du lịch chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế du lịch tuy tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều dự án du lịch chậm triển khai làm lãng phí tài nguyên đất đai và ảnh hưởng không tốt đến môi trường thu hút đầu tư. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, thiếu đẳng cấp, thiếu loại hình vui chơi, giải trí. Khả năng kết nối, liên kết vùng trong phát triển du lịch còn yếu.
Tình trạng phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép ở nhiều nơi chưa được ngăn chặn. Một số điểm nóng về môi trường chậm được xử lý dứt điểm...
Ba trụ cột của kinh tế
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của Bình Thuận đó là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với mục tiêu tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột: công nghiệp (năng lượng, chế biến); du lịch biển, thể thao biển; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận xác định: đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Tăng cường liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.
Với các ngành công nghiệp, trước hết là triển khai thực hiện tốt đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương, Đề án trung tâm năng lượng theo hướng phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí. Kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng.
Phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế. Phát triển một số khu công nghiệp mới theo hướng kết hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn với bảo vệ môi trường.
Thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh ngành dịch vụ, du lịch gắn kết phát triển các đô thị ven biển. Bình Thuận phải tiếp tục xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án “Xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia”, trong đó lấy khu vực Hàm Tiến, Mũi Né và phụ cận làm lõi lan tỏa. Tập trung phát triển mạnh các loại hình du lịch biển, thể thao biển, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, xây dựng và hình thành mạng lưới các điểm đến du lịch. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục mở rộng liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đẳng cấp cao; thu hút đầu tư các dự án dịch vụ du lịch…
Xây dựng, gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển. Xây dựng chuỗi đô thị biển đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy Phan Thiết làm trung tâm.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới
Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách của Nhà nước về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Một số chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 7,3 - 7,5%/năm; trong đó, GRDP nhóm ngành: Công nghiệp - xây dựng tăng 11,5 - 12%; Dịch vụ tăng 7 - 7,5%%; nông - lâm - thủy sản tăng 2,8 - 3,3%.
- Bình quân hàng năm, huy động GRDP vào ngân sách (chưa tính các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu) khoảng 8 - 8,5%.
Đến nay, trên địa bàn Bình Thuận có 35 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.077 MW, gồm: 4 nhà máy nhiệt điện than (công suất 4.284 MW), 01 nhà máy diesel (công suất 10MW), 6 nhà máy thủy điện (công suất 819,5 MW), 3 nhà máy điện gió (công suất 60 MW) và 21 nhà máy điện mặt trời (công suất 903,5 MW).