Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020, du lịch TP.HCM chịu những tác động nghiệm trọng, trực tiếp đến doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch, mặc dù TP cũng đã chủ động nhiều biện pháp kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh từ khi xuất hiện và bùng phát đợt 2.
Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 vẫn cực kỳ nghiêm trọng. Việc đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội đã khiến cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên toàn địa bàn TP ước tính đạt 826.844 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngoài thương mại bán lẻ hàng hóa chiếm 64,13%, dịch vụ khác chiếm 29,9%, thì dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 5,3% - giảm 42,7%, du lịch lữ hành chiếm 0,7% - giảm 72% so với cùng kỳ.
Cụ thể, số liệu báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho thấy, trong 8 tháng của năm 2020, không có lượt khách quốc tế mới đến TP.HCM 0 lượt. Lũy kế 8 tháng doanh thu du lịch đạt 47,423 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ và đạt 32,3% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm của năm 2019 có 5.532.896 lượt khách và riêng tháng 8/2019 doanh thu đã đạt 91.487 tỷ đồng.
Cũng tại cuộc họp gần đây với các sở - ngành của TP mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngành du lịch là một ngành có nguy cơ lây nhiễm với tỷ lệ rất lớn. Do vậy, đề nghị các sở ngành có liên quan cần kết nối chặt chẽ việc thực hiện và triển khai theo nội dung của công văn số 1170/SDL-VP ngày 3/8/2020 và công văn số 1257/SDL-QLLH ngày 18/8/2020 về việc thực hiện an toàn các biện pháp về các công tác kiểm tra, giám sát đối với các công ty lữ hành, người lao động hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, doanh nghiệp hoạt động lưu trú, các cơ sở dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch …
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị, song song với việc triển khai các công tác chuẩn bị cho 2 sự kiện quan trọng đã có kế hoạch từ trước là Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2020 và Giải Marathon quốc tế Techcombank 2020, thì các sở ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch nội địa. "Bởi, thị trường VN là một thị trường giàu tiềm năng du lịch, với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Đặc biệt, chúng ta có thể xây dựng các tour du lịch trải nghiệm mà nhiều địa phương đang có thế mạnh”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu, cần tập trung hơn nữa cho công tác triển khai đề án Kinh tế đêm cho TP đã được Chính phủ phê duyệt.
Các công việc cụ thể mà Chủ tịch Phong nêu ra là triển khai 2 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất: hoàn thiện và nâng cấp các hoạt động giải trí về đêm đang có trên địa bàn TP, đảm bảo an ninh cho các hoạt động giải trí, thực hiện quảng bá đến các thị trường du lịch về hoạt động, hối hợp với các sở - ngành để gia tăng các hiệu quả hoạt động, ẩm thực, mua sắm về đêm để mang lại giá trị gia tăng.
Thứ hai, triển khai gói giải pháp theo định hướng của Chính phủ, cụ thể trực tiếp đối với doanh nghiệp và người lao động, gián tiếp thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, xây dựng đề án TP.HCM trở thành trung tâm nguồn nhân lực cao. Đồng thời, thường xuyên khảo sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP, để kịp thời giải quyết nguy cơ thiếu hụt nhân sự…
“Trước sự sụt giảm nghiêm trọng của lĩnh vực du lịch, TP không thể “ngồi chờ” cho dịch qua đi, mà chúng ta phải tìm cách để thích ứng với nó, để phát triển kinh tế ngành du lịch, để góp phần vực dậy toàn hệ thống kinh tế của TP trong những tháng cuối năm”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kết luận.