Bài học từ Singapore
Hai trong loạt công nghệ số mới mà Singapore đã đưa vào trong hoạt động du lịch hiện nay là công nghệ số hóa hướng đến phục hồi du lịch và các công nghệ không tiếp xúc, truy vết nhanh để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
Chính phủ nước này đã tổ chức nhiều mô hình sự kiện hybrid (sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến) mở đầu cho các biện pháp hướng đến phục hồi du lịch MICE. Cụ thể, Chính phủ Singapore và STB đã tổ chức hàng loạt sự kiện thành công như: Sự kiện nhượng quyền và cấp phép dành cho doanh nghiệp (FLA) với hình thức trực tuyến, Triển lãm du lịch Travel Revive… Kết quả, những sự kiện hybrid này đã thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu từ khắp nơi trên thế giới.
Điểm nhấn ở đây là Singapore đã không ngần ngại ứng dụng khoa học công nghệ mới hỗ trợ các sự kiện hybrid. Để các sự kiện diễn ra một cách sống động, quốc gia này đã đưa công nghệ hỗ trợ phát sóng chất lượng cao, công nghệ thiết lập không gian ảnh 3 chiều về các diễn giả…
Các công nghệ này đã được áp dụng thành công tại trường quay của Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sands Expo thuộc Marina Bay Sands (MBS) – một trong những địa điểm tổ chức sự kiện từng đoạt các giải thưởng lớn tại Singapore. Với mục tiêu hướng đến mở rộng những biện pháp tăng năng lực và khả năng thích ứng cho doanh nghiệp MICE, Singapore đã nhanh nhạy và linh hoạt ứng dụng công nghệ số mới vào hoạt động hội thảo.
Về công nghệ không tiếp xúc, tại sân bay Changi, Tập đoàn Changi Airport Singapore đã cải tiến thêm robot dọn dẹp tự động được trang bị thiết bị phun sương khử trùng trên thảm và sàn nhà. Cùng với đó, công nghệ ánh sáng LED cực tím (UV-C) cũng đã và đang được đưa vào sử dụng để khử trùng tay vịn trên thang cuốn cho khách để tăng cường trải nghiệm không tiếp xúc tại sân bay.
Đặc biệt, các giải pháp nhận dạng kỹ thuật số xuất hiện đã giải quyết những lo ngại về du lịch ở đây. Singapore đã phát triển các sáng kiến mới với hệ thống check-in kỹ thuật số quốc gia SafeEntry giúp theo dõi lịch sử ra vào bằng việc scan mã QR và thiết bị truy vết TraceTogether.
Singapore cũng là quốc gia tiên phong trong việc phát triển ứng dụng Covid-19 sử dụng Bluetooth, sau đó ứng dụng TraceTogether đã được triển khai trên khắp thế giới. Từ loạt công nghệ đó, quốc gia này cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng và quyết tâm mạnh mẽ để mở cửa du lịch an toàn.
|
Loạt thiết bị tạo nên hình ảnh không gian 3 chiều được sử dụng trong các cuộc hội thảo du lịch trực tuyến và trực tiếp ở Singapore. |
Sự chuyển mình của ngành du lịch Singapore không chỉ ở việc những người làm du lịch nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ mà còn thể hiện rõ trong mục tiêu phát triển bền vững. Dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, Chính phủ Singapore vẫn luôn hướng tới sự bền vững và toàn diện, đặt mục tiêu trở thành đô thị bền vững hàng đầu thế giới. Đó là lý do tại sao đảo quốc nỗ lực đầu tư vào các sản phẩm và thử nghiệm mới đề cao yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường trong du lịch.
Nhiều chuyên gia đánh giá Singapore đang đi đúng hướng với xu hướng thiết kế tập trung vào yếu tố tự nhiên tại những địa điểm tham quan nổi tiếng như sân bay Jewel Changi hay Gardens by the Bay. Trong thập kỷ tới, Singapore được kỳ vọng sẽ chuyển mình thành “Đảo quốc giữa thiên nhiên” với các dự án cải tiến khu phát triển du lịch quận Jurong Lake thành điểm đến du lịch và đời sống đẳng cấp thế giới, với sự kết hợp nhịp nhàng các dịch vụ bền vững, đổi mới, thiên nhiên và khoa học.
Công nghệ du lịch tại Việt Nam còn hạn chế
Trước những tổn thất nặng nề do đại dịch và chưa thể phục hồi, du lịch Việt Nam cũng đã có những nỗ lực để thúc đẩy công nghệ trong hoạt động lữ hành. Tuy nhiên, loạt công nghệ nổi bật tại nước ta hiện nay vẫn chỉ là những triển lãm ảo, công nghệ 3D trong các bảo tàng trực tuyến... Nhiều doanh nghiệp vẫn đang “loay hoay” ứng dụng công nghệ số, bước đầu làm quen với các ứng dụng trực tuyến giúp kết nối với khách hàng.
Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ không tiếp xúc trong hoạt động du lịch như đặt phòng, nhận phòng, di chuyển… ở nước ta cũng rất hạn chế. Trong khi đó, các công nghệ này đã được nhiều quốc gia công nhận.
Một cuộc khảo sát trên tờ The Guardian cho thấy, 38% khách du lịch muốn giảm sự đông đúc trong không gian công cộng, 31% sẽ coi trọng việc bảo vệ nhiều thông tin tài chính cá nhân và 28% sẽ ủng hộ công nghệ đảm bảo tính chính xác của các chương trình truy vết virus.
Các chuyên gia cho rằng, các giải pháp kỹ thuật số không tiếp xúc và việc phổ biến công nghệ này trong các hãng hàng không, tiến tới phổ biến toàn quốc có thể là chìa khóa để phục hồi sức sống cho du lịch.
MGM Resorts (Las Vegas) đã ra mắt quy trình nhận phòng không tiếp xúc cho phép khách hàng sử dụng ứng dụng dành cho thiết bị di động để xác minh bản thân, thanh toán tiền phòng và thậm chí nhận chìa khóa kỹ thuật số. Giải pháp cho phép họ hoàn toàn tránh tương tác với nhân viên của khách sạn.
Các chuỗi khách sạn khác cũng công nhận tiện ích của việc tận dụng công nghệ sinh trắc học để xác minh nhân viên và giám sát lịch trình trong thời gian đại dịch. Ba khách sạn do Khách sạn Thiên niên kỷ Iraq điều hành vào năm ngoái đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng giải pháp nhận dạng sinh trắc học dựa trên mống mắt để ghi lại chính xác giờ làm việc của nhân viên.
Phát triển công nghệ số là xu hướng tất yếu trong đại dịch, đặc biệt là các công nghệ không tiếp xúc mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, nếu không đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, áp dụng những sáng kiến công nghệ mới trong hoạt động du lịch, ngành du lịch nước nhà có thể đứng trước nguy cơ phục hồi chậm hơn, thậm chí “tụt hậu” so với các ngành du lịch của các nước trong khu vực.