Dư luận Trung Quốc về “vụ kiện Biển Đông”: Yêu cầu tôn trọng sự thật và lẽ phải

(PLO) -Ngày 12/7/2016, Tòa thường trực Trọng tài quốc tế  (PCA) ra phán quyết về “Vụ kiện Biển Đông” với những nội dung chính: Trung Quốc không có cái gọi là “quyền lịch sử” đối với Biển Đông; “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo; Các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.... 
PCA phán quyết, yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là không có hiệu lực
PCA phán quyết, yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là không có hiệu lực

Ngay tại Trung Quốc và trên báo chí của cộng đồng người nói tiếng Trung đã xuất hiện những ý kiến tôn trọng sự thật và lẽ phải, phê phán lập trường của chính phủ, kêu gọi chấp nhận phán quyết của PCA, giải quyết hòa bình những vấn đề tranh chấp với các nước xung quanh Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). 

“Dù thích hay không, thì...”

Ông Khổng Kiệt Vinh (Jerome Cohen), Giáo sư Luật của ĐH New York ngày 11/7 đã viết bài chỉ rõ: “Dù thích hay không thích, là một trong những nước ký Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS), phán quyết do Tòa Trọng tài đưa ra vẫn có sự trói buộc (ước thúc) về mặt pháp luật đối với Trung Quốc”.

Giáo sư Khổng làm rõ hai tên gọi mà mọi người ở ngoài giới không hiểu rõ: Tòa án trọng tài La Haye và Tòa Trọng tài Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS): “Mọi người cần phải hiểu rõ, phán quyết ngày 12/7 không phải do Tòa án Trọng tài La Haye đưa ra, mà là Tòa Trọng tài được thành lập để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc căn cứ theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (gọi tắt là Tòa Trọng tài).

Tòa án Trọng tài La Haye chỉ là cơ cấu quản lý xử lý các sự vụ hành chính, là ban thư ký của Tòa Trọng tài – cơ cấu được tạo thành bởi 5 thành viên là những chuyên gia hàng đầu thế giới về luật biển.

Giáo sư Khổng cho rằng, tuy bất cứ phán quyết nào của Tòa trọng tài đều có thể bị từ chối với lý do “có thể tranh biện”, nhưng điều không thể nghi ngờ là: “Bất kể Bắc Kinh có nhiều lần chỉ trích tính hợp pháp của Tòa Trọng tài, thậm chí về năng lực và sự công bằng của các trọng tài viên, thì phán quyết do Tòa Trọng tài đưa ra vẫn có sự trói buộc về mặt pháp luật đối với Trung Quốc”.

Ông Khổng Kiệt Vinh viết: “Trung Quốc chủ trương họ có “chủ quyền không thể tranh biện” đối với Biển Đông, nên cự tuyệt sự trói buộc đối với họ của phán quyết liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và phân định ranh giới biển và bày tỏ Trung Quốc chưa từng đồng ý sự phán xử của bất cứ bên thứ 3 nào về những vấn đề này.

Sự biện giải của Trung Quốc có tính chất dẫn dắt sai lầm. Sự phán quyết của Tòa Trọng tài không quyết định chủ quyền lãnh thổ và phân định ranh giới biển, mà là sự giải thích và vận dụng Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Điều này đã được chính Tòa Trọng tài nói rõ”.

Giáo sư Jerome Cohen (Khổng Kiệt Vinh)
 Giáo sư Jerome Cohen (Khổng Kiệt Vinh)

“Cuộc chiến dư luận”

Peter Yang (Dương Bỉ Đắc) là một nhà bình luận thời sự của báo điện tử Đông Phương rất có uy tín trong cộng đồng Hoa ngữ.  Ngày 15/7, ông đã viết bài, có đoạn: “Là một người Trung Quốc, tôi mới được nghe về 2 điều: Một là, Tòa thường trực trọng tài La Haye không có liên quan gì đến LHQ hay tòa án quốc tế cả; Hai, các quan tòa của Tòa thường trực cầm tiền của Philippines để ra phán quyết.

Điều thứ nhất là báo chí trong nước Trung Quốc nói khi dẫn các tuyên bố của LHQ và tòa án quốc tế; điều sau là do Thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân tiết lộ. Điều khiến tôi cảm thấy rất hiếu kỳ là: Tại sao Trung Quốc không nói rõ những điều quan trọng này trước khi PCA ra phán quyết? Trung Quốc vốn thường “phê gục, phê thối” những người bất đồng, nhưng e rằng làm như thế với Tòa thường trực thì chỉ tổn hại đến hình ảnh quốc gia mà thôi”.

Ông Dương cho rằng: Điểm then chốt của phán quyết PCA là tính hợp pháp, còn Trung Quốc thì chỉ luôn nhấn mạnh “không tham dự, không thừa nhận, không chấp hành”, tập trung tuyên truyền cho chính sách “ba không”. Nay khi phán quyết được đưa ra thì lại kêu “vô sỉ hơn cả điều chúng ta dự kiến”.

Ông Dương nhận xét: Việc Trung Quốc chỉ quanh quẩn nhắc đi nhắc lại mấy câu: “Quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa theo cách gọi của Trung Quốc) từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh biện đối với quần đảo Nam Sa”…gây cho cộng đồng quốc tế ấn tượng Trung Quốc đuối lý đến cùng kiệt.

“Ăn không chọn món, nói không chọn lời”

Báo điện tử Tin đa chiều (Dwnews) của cộng đồng người Hoa ở Mỹ ngày 16/7 có bài chỉ trích Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân “nói bừa” (loạn khai pháo) sau phán quyết của Tòa thường trực PCA. Theo báo này, tại cuộc họp báo hôm 13/7 công bố Sách trắng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc “phản pháo” lại phán quyết, ông Lưu Chấn Dân đã tập trung công kích Tòa thường trực. Cụ thể ông Lưu đã nói 4 điểm:

Thứ nhất, Tòa thường trực PCA được thành lập thụ lý đơn kiện của Philippines “không phải là tòa án quốc tế, không phải là một bộ phận của Tòa án Công ước Biển, cũng không thuộc hệ thống của Tòa án thường trực trọng tài La Haye”.

Thứ hai, việc lập ra PCA là kết quả của thao tác chính trị, vì “4 thành viên đều do đương kim Chánh án Tòa án Công ước biển người Nhật Shunji Yanai chỉ định” và “các  nguồn tin chứng minh, việc lập ra PCA hoàn toàn do mình Shunji Yanai thao túng”.

Thứ ba, thành viên PCA không có ai là người châu Á, không hiểu văn hóa châu Á, Nam Hải (Biển Đông) cũng như địa chính trị châu Á nên không thể đưa ra phán quyết công bằng.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân

Thứ tư, “5 quan tòa này làm vì tiền, họ nhận tiền của Philippines, có thể có người khác cũng cho tiền họ, họ làm để nhận thưởng”.

Bài báo cho rằng: Ý định của ông Lưu Chấn Dân rất rõ, nhằm chứng minh PCA không có quyền uy và cũng không hợp pháp nên phán quyết của họ không công bằng, không công minh…Tuy nhiên, những lời chỉ trích cụ thể của ông Lưu thoạt nghe có vẻ đơn giản, dễ hiểu, nhưng không chuẩn xác, không có tác dụng tích cực trong việc làm rõ một vụ án có ảnh hưởng trọng đại như vụ kiện Biển Đông.

Bài báo phân tích, chứng minh Tòa thường trực trọng tài về vụ kiện Biển Đông được thành lập theo đúng nguyên tắc của Tòa án thường trực trọng tài La Haye, kết luận ông Lưu đã “nhầm lẫn” khi cho rằng hai tòa này không cùng hệ thống; Tòa án thường trực La Haye là cơ cấu trọng tài quốc tế duy nhất, không thể nói là “không minh bạch”, “không có quyền uy”.

Trung Quốc là nước tham gia ký kết 2 Công ước La Haye; năm 1993, Trung Quốc chính thức thông báo thừa nhận Công ước và cử trọng tài viên tham gia, việc ông Lưu định lấy lý do Tòa thường trực không thuộc LHQ để phủ nhận quyền uy của nó là không ổn.

Bài báo cũng bác bỏ quan điểm của ông Lưu Chấn Dân về vai trò của quan tòa người Nhật Shunji Yanai, cho rằng đó chỉ là sự suy đoán vô căn cứ, không đáng tin. Về điểm cho rằng các quan tòa nhận tiền của Philippines để xử, bài báo viết: Trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982 đã ghi rõ: Mọi chi phí của tòa án, bao gồm thù lao cho các trọng tài “do các bên tranh chấp chi trả mỗi bên một nửa”.

Thực tế, trên thế giới bất cứ một tòa án nào khi thụ lý các vụ án tố tụng đều không làm không công, dù là án dân sự bình thường. Sự tồn tại của chi phí tố tụng cũng không thể phủ nhận tính quyền uy đối với sự phán quyết của tòa. Việc ông Lưu dùng từ “làm để nhận thưởng” ám chỉ việc tòa án nhận hối lộ của Philippines là vô căn cứ.

Bài báo cũng phê phán việc Lưu Chấn Dân chỉ trích: “Vụ án này là lần đầu tiên có một Tòa trọng tài lâm thời được thành lập theo Phụ lục 7 kể từ khi Công ước LHQ về Luật Biển 1982 có hiệu lực...tạo ra tiền lệ rất không hay”...khiến người ta ngạc nhiên bởi ông Lưu đã bỏ qua một vụ án rất quan trọng trước đó:

Năm 1996, Tòa trọng tài đã được thành lập để xét xử vụ tranh chấp phân định ranh giới Biển Đỏ giữa Yemen và Eritrea.” Bài báo cho rằng: “Là một nước ký kết Công ước Biển, nhưng ông Lưu Chấn Dân lên tiếng chỉ trích về tính hợp pháp của Tòa trọng tài, thậm chí coi phán quyết vi phạm Công ước, là một hành vi không khôn ngoan (bất trí)”.

Bài báo kết luận: “Lập trường Trung Quốc về vấn đề Biển Đông luôn là “không thể tranh biện”, nhưng khi quan chức của họ bảo vệ quan điểm dẫn ra các tài liệu lại không đủ và không có sức thuyết phục. Việc nhắc lại “chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông không thể tranh biện” chẳng có ý nghĩa gì.

Biểu đạt lập trường của mình và phản bác kết quả phán quyết của PCA phải có đầy đủ chứng cứ lẫn đòi hỏi kỹ xảo; các phản bác như ông Lưu Chấn Dân không những không gây hiệu quả cần thiết, mà còn làm tổn hại đến quyền uy của Trung Quốc, khiến bên ngoài nghĩ rằng Trung Quốc vì bảo vệ lập trường của mình đã trở nên ăn không chọn món, nói không chọn lời”.../.

Đọc thêm