Sáng 30/9, phiên họp lần thứ 9 của Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VH, GD, TN, TN&NĐ) trong việc thẩm tra Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) diễn ra tại TP.Đà Nẵng.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật cho rằng, về cơ bản Dự thảo Luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời nhất trí với việc cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành luật… Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hai vấn đề, đó là: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai, nội dung quyền tự do báo chí là gì?.
Về nội dung thanh tra, xử phạt báo chí, theo ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy viên Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ thì Dự thảo Luật cần quy định một cách cụ thể cơ quan có thẩm quyền thanh tra báo chí.
“Nếu không thì đến Sở Thông tin và Truyền thông cũng xử phạt nhà báo, thậm chí các cấp khác cũng có thể xử phạt. Theo tôi, nên để Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về báo chí chịu trách nhiệm xử phạt”, ông Hải đề xuất.
Về Khoản 3 Điều 37 Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Trong khi đó, thực tế hiện nay loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Từ nhận định này, Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.