Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi): Cân nhắc về quy định mang tính hồi tố

(PLO) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) lo ngại quy định các DN có 2 năm để tăng vốn lên 30 tỷ nếu không sẽ bị huỷ tư cách công ty đại chúng theo đề xuất tại dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Góp ý vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc nâng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (Điều 12) nhằm bảo đảm năng lực tài chính của công ty đại chúng là phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Điều 135.4 của dự thảo đưa ra quy định chuyển tiếp yêu cầu các DN đã niêm yết phải đáp ứng điều kiện về vốn và cơ cấu cổ đông trong vòng 2 năm kể từ khi Luật này có hiệu lực. Nếu sau 2 năm mà không đáp ứng thì DN sẽ bị huỷ tư cách công ty đại chúng.

Theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo, hiện tại có 1.954 công ty đại chúng và có 18,4% công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. Các DN này sẽ có 2 năm để tăng vốn lên 30 tỷ hoặc sẽ phải bị huỷ tư cách công ty đại chúng.

“Chính sách này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ chứng khoán của các DN này, trong khi bản thân những DN này không hề có hành vi vi phạm pháp luật, không gây tác động xấu đến thị trường” - VCCI nhận định trong văn bản góp ý gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc về việc áp dụng quy định mang tính hồi tố như vậy. Quy định mới về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ nên áp dụng cho những DN niêm yết sau khi luật  này có hiệu lực, không nên áp dụng đối với những DN đã niêm yết.

Một vấn đề khác được góp ý là điều kiện có lãi đối với trường hợp chào bán thêm chứng khoán ra công chúng. Dự thảo đã nâng điều kiện có lãi từ 01 năm lên 02 năm đối với các công ty đại chúng muốn chào bán thêm chứng khoán ra công chúng.

Bản thuyết minh giải thích lý do của việc này là nhằm chống lại tình trạng một số DN sử dụng thủ thuật về kế toán để có lãi trong 01 năm nhưng nhiều năm khác lại lỗ, để có thể chào bán thêm chứng khoán.

Tuy nhiên, theo VCCI việc sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi phải được xem là một hành vi gian lận về việc cung cấp thông tin ra công chúng và cần phải được xử lý vi phạm, chứ không nên quy định về thời gian có lãi. Việc thay đổi thời gian có lãi không giải quyết được vấn đề khi DN tiếp tục sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi trong 02 năm.

Đối với những DN đã chào bán chứng khoán ra công chúng thì các thông tin về DN đã được công khai trước các nhà đầu tư một thời gian tương đối dài. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể theo dõi lại lịch sử công bố thông tin để đánh giá về mức độ rủi ro, vì vậy, Nhà nước có thể giảm các điều kiện chào bán thêm, thấp hơn so với chào bán lần đầu. Do đó, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc việc điều chỉnh điều kiện có lãi của DN khi chào bán thêm chứng khoán.

Ngoài ra, dự thảo quy định một trong những điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng là “Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa được xoá án tích”. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, quy định này phù hợp với việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc cấm chào bán chứng khoán đối với toàn bộ các pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích là không cần thiết. 

Đọc thêm