TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đồng chủ trì Hội thảo.
Đề cập nhiều nội dung mới, có ảnh hưởng lớn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh, ngoài Hiến pháp thì Luật Đất đai là đạo luật nhận được sự quan tâm rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân, từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, hợp tác xã đến các hộ gia đình, cá nhân từ thành thị đến nông thôn... Đồng thời tác động của đất đai, chính sách, pháp luật đất đai đến chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và xã hội cũng vô cùng mạnh mẽ.
Khẳng định việc Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết, TS. Đoàn Trung Kiên nêu rõ, Hội thảo là sinh hoạt học thuật có ý nghĩa nhằm góp phần bổ sung thêm những luận điểm khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên phát biểu tại Hội thảo. |
Báo cáo dẫn đề Hội thảo, PGS.TS Hà Hùng Cường cho biết, sau gần 10 năm thi hành, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện pháp luật chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai còn bất cập...
Đồng chí Hà Hùng Cường cho rằng ngoài việc lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày, việc lấy ý kiến cần được tập trung vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
PGS.TS Hà Hùng Cường cho biết, sau gần 10 năm thi hành, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt. |
Đây đều là những vấn đề phát sinh nhiều bất cập trong những năm qua, đồng thời dự thảo cũng nên đề cập đến nhiều nội dung mới, có ảnh hưởng lớn đến quan hệ pháp luật đất đai trong thời gian tới, cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đa chiều để có được những quy định pháp luật đất đai thực sự hiệu quả, hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia và góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất một cách lành mạnh.
Quản lý, sử dụng đất đai của nhà nước có chất lượng, tránh hình thức
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa ra một số nhận định cơ bản những chủ trương quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu để thể chế hóa vào dự thảo lần này. Đồng thời cho rằng còn một số nội dung cần được bổ sung và cụ thể hóa hơn để phát huy được vai trò thực chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên Mặt trận trong việc giám sát, tham vấn ý kiến người dân về quản lý, sử dụng đất.
TS. Nguyễn Văn Pha đề nghị, dự thảo Luật cần quy định ngoài Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cần có một số tổ chức thành viên có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc quy định thêm các đối tượng này sẽ tạo thêm sức mạnh cho hệ thống Mặt trận, để sự tham gia của khối Mặt trận vào các hoạt động quản lý, sử dụng đất đai của nhà nước thực sự có chất lượng, tránh hình thức.
TS. Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Hội thảo. |
Liên quan đến các quy định về tài chính đất đai, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan và cũng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Qua đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị bổ sung các khái niệm liên quan đến giá đất có thể phát sinh trong thực tế, chuẩn hóa các thuật ngữ như “giá đất phổ biến trên thị trường/giá đất chuẩn, bảng giá đất, thửa đất chuẩn, giá đất cụ thể...” để nhất quán cách hiểu và áp dụng; Bổ sung mục đích điều tiết nguồn thu từ đất bao gồm cả việc phục vụ “công tác thu hồi đất, tái định cư…”.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị, cân nhắc có lộ trình áp dụng giá đất sát với giá thị trường; bổ sung quy định chi tiết hơn về quyền và trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá, chuyên gia định giá đất…
TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh một số vấn đề liên quan đến quy định về tài chính đất đai. |
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã góp ý toàn diện vào những nội dung trọng tâm tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; quy định về tài chính đất đai, phương pháp định giá đất; quy định về điều kiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...
Đồng thời đề xuất nhiều nội dung cụ thể liên quan trực tiếp tới quy định tại Dự thảo về: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nha nước thu hồi đất; tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của chủ thể có yếu tố nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam…