Sinh viên được tham gia chuyện học của mình
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH là một yêu cầu cấp thiết để kịp thời thể chế hóa những vấn đề của hệ thống giáo dục ĐH, tạo động lực, bước phát triển mới cho các cơ sở giáo dục ĐH. Bốn nội dung chính sách lớn tập trung trong dự thảo (mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo và đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tăng cường tự chủ của các trường ĐH), Ban soạn thảo cũng đã tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục ĐH, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, tiến hành điều chỉnh, bổ sung tổng cộng 36 điều trên tổng số 73 điều của Luật Giáo dục ĐH hiện hành.
Quy định thành viên hội đồng trường tại Dự thảo Luật có thành phần là sinh viên do Hội sinh viên tổ chức bầu. Đồng tình với điều này, PGS Lê Minh Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Khi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia kiểm định quốc tế của HCERES, họ có ý kiến ngay là hội đồng trường không có sinh viên. Mặc dù chúng tôi đã trả lời là theo Luật hiện hành, hội đồng trường không có sinh viên, nhưng đã có Bí thư đoàn thanh niên là đại diện. Tuy vậy, họ cho rằng, Bí thư đoàn thanh niên vẫn là cán bộ trẻ nên không thể đại diện cho sinh viên.
Theo PGS Lê Minh Thắng, sinh viên vào hội đồng trường không phải chỉ vì bàn đến học phí mà còn là chương trình đào tạo và các ngành đào tạo, các chính sách cho sinh viên, chính sách đảm bảo chất lượng. Sinh viên không còn là học sinh mà đã là những công dân với đầy đủ quyền công dân và ý thức trách nhiệm của mình. Đưa sinh viên vào hội đồng trường cũng chính là làm cho họ nhận thức được đúng và thực hiện trách nhiệm của mình, thể hiện hết năng lực và sự sáng tạo của tuổi trẻ, điều rất cần được khơi dậy trong xã hội hiện nay.
Liên quan đến thành phần ngoài trường trong hội đồng trường, theo ông Thắng, tỷ lệ 30% trong dự thảo tuy có tăng lên so với luật hiện hành nhưng như vậy là còn ít hơn thế giới (nhiều trường trên thế giới là 50%). Điều quan trọng là phải chọn những đại diện của cộng đồng xã hội thực sự tâm huyết và có trách nhiệm với nhà trường. Đó là những lãnh đạo của các doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt là các cựu sinh viên thành đạt của trường.
Và những bất cập
Song song với hội thảo của Bộ GD&ĐT, Hiệp hội Các trường CĐ, ĐH Việt Nam cũng tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến sửa đổi các luật về giáo dục. Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập của các luật về giáo dục hiện hành, trong đó tập trung vào Luật Giáo dục ĐH.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, với Luật Giáo dục ĐH, hiệp hội đề nghị việc sửa đổi phải đạt tối thiểu 4 yêu cầu quan trọng. Một trong 4 yêu cầu đó là “phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin - cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục ĐH”. Đơn cử theo ông Khuyến “Điều 32 quy định cơ sở giáo dục ĐH tự chủ trong nhiều hoạt động. Tuy nhiên, các điều đó đều thường xuyên sử dụng các thuật ngữ “xin phép” và “cho phép”, trong khi với cơ chế tự chủ thật sự, các cơ sở giáo dục ĐH chỉ phải “đăng ký”, còn các cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra các quyết định “công nhận”!
Những nội dung rất quan trọng của một Luật Giáo dục ĐH hiện đại như: Hệ thống giáo dục ĐH, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục ĐH hầu như không được thể hiện rõ. Mặt khác, nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm của một luật về Giáo dục ĐH. Chính vì vậy, Hiệp hội đề nghị Luật Giáo dục ĐH sửa đổi tới phải đưa thêm vào hai chương mới: Một chương về Hệ thống giáo dục ĐH và một chương về Quan hệ xã hội...
Băn khoăn không phân biệt bằng cấp chính quy và tại chức?
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đang được dư luận quan tâm đó là không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng. Điều đó có nghĩa là tất cả các hệ đào tạo ĐH không còn phân biệt trên văn bằng như hiện nay.
Lý giải về điều này với báo chí vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Luật hiện hành đã quy định từ chương trình đào tạo (bao gồm cả chuẩn đầu ra) đến điều kiện dạy - học, chuẩn giảng viên… của hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên đều như nhau. Hai hình thức này chỉ khác nhau ở khâu tổ chức đào tạo, để phù hợp điều kiện, nhu cầu học tập khác nhau của người học.
Bà Phụng cho hay, cụm từ đào tạo tập trung hoặc không tập trung với hàm ý là hai hình thức chỉ khác nhau về phương thức tổ chức đào tạo. Còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá... đến chuẩn đầu ra đều phải được xây dựng và thực hiện đúng như hình thức tập trung.Vì vậy, dự kiến sẽ không còn hai loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng vừa học vừa làm nữa. Điều này phù hợp thông lệ chung trên thế giới.
Theo đánh giá của TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), việc tiến tới thống nhất văn bằng ĐH thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới. Tuy nhiên, những lo lắng của người dân về việc “vàng thau lẫn lộn” trong việc cấp văn bằng hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ ở nước ta lâu nay, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ vừa học vừa làm chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực ra để phân biệt hai tấm bằng này có tương đồng ngang nhau hay không, hoàn toàn không khó, chỉ cần cho làm bài thi sẽ biết tấm bằng nào thực sự có giá trị. Đành rằng, có thể có người học giỏi nhưng khi làm việc hiệu quả lại không tốt bằng người học kém hơn. Tuy nhiên, con số đó không nhiều…