Sẽ thành lập doanh nghiệp trong trường đại học

(PLO) -Trường đại học (ĐH) tự quyết mức học phí, chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo, sẽ có doanh nghiệp trong trường ĐH… là một trong những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH vừa được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến.
(Hình minh hoạ)
(Hình minh hoạ)

Nét mới của dự thảo là trong trường có thể thành lập doanh nghiệp. Thực tế, đây cũng không phải là quy định hoàn toàn mới bởi theo Điều 14 Luật Giáo dục Đại học năm 2012, trong cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện đã đề cập tới “tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”. Như vậy, chỉ nói đến là một doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh doanh chứ chưa xác định rõ.

Vì thế, dự thảo đề xuất sửa đổi thành “tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác”. Như vậy, chủ thể doanh nghiệp được đưa vào rõ nét hơn và doanh nghiệp được thành lập trong trường ĐH cũng phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Một điểm lưu ý nữa, đó là bằng đại học sẽ không phân biệt hệ tại chức hay chính quy. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Hiện nay vẫn đang phân biệt hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên và được thể hiện trên văn bằng. Điều này tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau.

Vì vậy, dự thảo mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung. Đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Sau này, khi dự thảo Luật sửa đổi được Chính phủ thông qua, các trường đại học sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Dù đào tạo tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn.

Đọc thêm